Rời quê lên TP HCM gần 20 năm, chị Phạm Thị Nguyện, công nhân Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (quận 6, TP HCM), không nhớ nổi mình đã đổi chỗ ở bao nhiêu lần. Nơi thì mùa nắng nóng hầm hập như chảo lửa, mưa thì ngập nước. Chỗ thì chủ trọ tăng giá vô lý, cộng thêm nhiều khoản phí không tên... đó là những nguyên do khiến gia đình chị Nguyện không thể an cư.
Giấc mơ xa vời
Chỗ ở mới nhất của gia đình chị Nguyện là căn phòng trọ có diện tích khoảng 25 m2 nằm trên đường Nguyễn Văn Luông, có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho 3 thành viên.
Giá thuê phòng khá "mềm" (2,2 triệu đồng/tháng) nhưng phòng trọ đã xuống cấp do nhiều năm chưa được cải tạo, sửa chữa. Những ngày gần đây, khi nắng nóng đỉnh điểm, vợ chồng chị phải lắp thêm tấm cách nhiệt trên trần nhà để chống nóng. Chồng chị là nhân viên bảo trì thang máy, thu nhập không ổn định.
Đồng lương công nhân may của chị khi việc làm ổn định cũng chỉ đạt khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Gói ghém lắm cũng chỉ đủ lo chi phí sinh hoạt và tiền học phí cho cậu con trai đang học lớp 4. "Thu nhập gần như không có tích lũy nên đối với tôi việc có một căn nhà ở thành phố có lẽ sẽ mãi là giấc mơ" - chị Nguyện chia sẻ.
Người lao động mong sớm được tiếp cận nhà ở xã hội để thỏa giấc mơ an cư lạc nghiệp Ảnh: HUỲNH NHƯ
Theo tính toán của chị Trần Tú Phương, nhân viên kho tại Công ty TNHH Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tân (quận Bình Tân, TP HCM), tiền thuê nhà trọ, chi phí ăn uống, tiền học cho con đã chiếm hơn 2/3 thu nhập hằng tháng. Tháng nào ít ma chay, hiếu hỷ, không có thành viên nào ốm đau, gia đình chị cũng chỉ dành dụm khoảng 5 triệu đồng/tháng. Như vậy, để mua được nhà ở xã hội (NƠXH), chị Phương phải tích góp trong 20 năm. Do vậy, ước mơ an cư của người lao động mãi xa vời.
Chị Lê Thị Hằng, CN Công ty TNHH CCH Top (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), cho hay có nhà tại TP HCM là mục tiêu chị đặt ra từ những ngày đầu đến TP HCM. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm cật lực làm việc, đến nay gia đình chị vẫn đang ở trọ. Thu nhập hiện tại của chị Hằng chỉ ở mức 8 triệu đồng/tháng. Thời gian gần đây, công ty bị giảm đơn hàng, không tăng ca nên thu nhập bị giảm sút đáng kể. Cộng thêm giá cả liên tục leo thang kiến cơ hội tạo dựng mái ấm của gia đình chị ngày càng xa tầm với.
Cần chính sách hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, trên địa bàn quận hiện có hơn 318.000 CN. Trong đó, 70% là người từ các tỉnh, thành khác.
Qua khảo sát của LĐLĐ quận Bình Tân, thu nhập bình quân của CN khoảng 7 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt, nếu không gửi về cho gia đình thì mỗi CN chỉ dư được 2 triệu đồng/tháng. Nếu muốn mua nhà có giá khoảng 1 tỉ đồng, CN phải tích lũy ít nhất 50 năm. Do vậy, nếu không có cơ chế hỗ trợ như vay vốn ưu đãi, ưu tiên mua NƠXH thì NLĐ khó có thể mua được nhà ở.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung 1, TP Thủ Đức, TP HCM) cho hay nhu cầu NƠXH của CN là rất lớn nhưng hầu như họ không thể mua nhà được do giá quá cao. Theo bà Vân, để CN có thể mua được NƠXH cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ nhà nước từ việc tạo quỹ đất sạch đến chính sách cho vay dài hạn với lãi suất thấp.
Là doanh nghiệp (DN) tâm huyết đầu tư nhà giá rẻ dành cho CN có thu nhập thấp, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Đầu tư bất động sản Lê Thành, cho hay hiện nay, DN đang gặp phải không ít vướng mắc về thủ tục pháp lý, do vậy các dự án NƠXH khó lòng triển khai nhanh chóng.
Ông Nghĩa dẫn chứng: "Có dự án phải mất 4 năm để xin điều chỉnh từ quy hoạch 12 lên 14 tầng. Tiếp đến là khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, để xin được ý kiến từ các sở, ngành rất lâu, có khi gửi hồ sơ 6 tháng vẫn chưa được phản hồi. Thời gian gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo thành phố và các sở, ngành, các dự án của công ty đã được tháo gỡ khó khăn, nhờ đó tiến độ được đẩy nhanh".
Chia sẻ thêm về trách nhiệm của DN, ông Nghĩa cho rằng chủ đầu tư cần phải bảo đảm tiến độ, bàn giao căn hộ đúng thời gian cho người mua. Bởi sự chậm trễ của DN, chủ đầu tư sẽ khiến người mua nhà đối diện với việc vừa tiếp tục ở thuê vừa phải đóng lãi vay ngân hàng. Về phía NLĐ, khi mua NƠXH cũng cần chuẩn bị phương án tài chính.
Đồng Nai: 400.000 CN có nhu cầu về NƠXH
Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, hiện nay toàn tỉnh có 3.500 căn NƠXH. Trong đó, nhà ở dành cho CN chỉ khoảng 1.500 hộ, 2.000 căn còn lại là các đối tượng chính sách, lực lượng vũ trang. Do đó, con số này không đáp ứng được thực tế so với lực lượng CN 800.000 người trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, tại Đồng Nai có khoảng 400.000 CN có nhu cầu về NƠXH, đến năm 2025, nhu cầu này tăng lên 450.000 người. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2025, Đồng Nai mới có kế hoạch xây 10.000 căn.
Với mục tiêu xây dựng 10.000 căn NƠXH tới năm 2025, hiện nay tỉnh Đồng Nai đang tập trung xây dựng tại các địa phương đông CN như: TP Biên Hòa, TP Long Khánh, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành... Sau đó, từ năm 2026, các huyện, thành phố sẽ xây dựng từ 1-3 dự án mới. Hiện nay, Sở Xây dựng xác định 37 dự án cần xây dựng 176 ha, ước tính khoảng 40.000 căn hộ, lộ trình đến năm 2030.
D.Linh
Bình luận (0)