xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Công nhân vệ sinh là gương sáng bảo vệ môi trường

NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT.- Công nhân vệ sinh - những con người thầm lặng với những công việc thầm lặng. Có mấy ai nhớ đến họ đã cặm cụi trên những đường phố, mặc nắng gió, mưa bão - ngày cũng như đêm - góp phần tạo vẻ mỹ quan cho thành phố. Những con người ấy đáng được tôn vinh và họ đã được tôn vinh. Đại tá Trương Nguyên Tuệ, Hội Cựu chiến binh TPHCM, cho rằng: Việc tuyên dương công nhân vệ sinh là việc nên làm và phải duy trì thường xuyên

Sáng 21-1, tại Sở Khoa học - Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) TPHCM, Trung tâm Giáo dục pháp luật, Sở KH-CN-MT, Sở Giao thông Công chánh và Đài Truyền hình TPHCM tổ chức lễ tuyên dương và giao lưu với 33 công nhân vệ sinh (CNVS) tiêu biểu trong hơn 7.000 CNVS của TPHCM.

Đóng góp thầm lặng

Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Bách Phong, Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy TPHCM, đánh giá cao vai trò của những CNVS. Theo ông, bảo vệ môi trường TP xanh sạch là nhiệm vụ chung của mọi người dân. Vì thế, việc làm của những CNVS là rất đáng trân trọng. Ông Phong đề nghị lãnh đạo TP cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa cho CNVS thực hiện tốt công việc của mình.  Đại tá Trương Nguyên Tuệ, Hội Cựu chiến binh TP, khẳng định: “Những CNVS đã làm cho cuộc sống của chúng ta tốt hơn qua những công việc đóng góp thầm lặng của họ. Trong điều kiện thiếu thốn phương tiện kỹ thuật, lương không đủ nhưng họ vẫn làm tốt là điều đáng ghi nhận”. Theo đại tá Tuệ, việc tổ chức tuyên dương những CNVS là việc rất nên làm và duy trì thường xuyên.

Chua xót, ngậm ngùi trước những việc làm thiếu văn hóa

Cả hội trường gần 50 đại biểu tham dự đã trở nên “nóng” lên trong phần giao lưu với những nhân vật chính – các CNVS tiêu biểu. Nhiều đại biểu đã lặng đi khi nghe anh Nguyễn Văn Tâm, Công ty Dịch vụ Giao thông Đô thị quận Tân Bình, kể: Một lần, anh làm việc trên một con đường có quán cà phê. Sau khi hoàn tất công việc, anh thấy chủ quán đùa rác ra đường rất bừa bộn. Khi anh nhắc nhở họ gom lại cho gọn thì nhận được một lời nói như tát vào mặt: “Hàng tháng tụi tui trả tiền để mấy anh hốt rác. Không có rác của chúng tôi thì các anh có mà thất nghiệp!”. Lúc ấy, anh chỉ biết đứng lặng và chua xót... Những người tham dự cũng không khỏi xót xa khi biết được hoàn cảnh và công việc của anh Nguyễn Văn Vọng, Xí nghiệp Vận chuyển số 2, Công ty Môi trường Đô thị TP. Anh và vợ đều làm CNVS. Tuy sống chung nhà nhưng hai vợ chồng lại ít có dịp gặp nhau vì làm trái ca. Sau hơn 10 tiếng làm việc, khi anh về nhà thì vợ lại vào ca mới.

Rất ít người có nhà ở

Tuy mỗi người đều có những vất vả khác nhau nhưng họ đều rất tự hào về công việc của mình. Chị Nguyễn Thị Nho, Công ty Dịch vụ Công ích quận Gò Vấp, nói: “Nghề nào cũng là nghề vì đều đóng góp cho xã hội. Nhờ công việc này, gia đình tôi có được mái nhà và thu nhập ổn định. Không những thế còn tự hào vì góp phần làm sạch đẹp đường phố”. GS Nguyễn Khắc Thuần, nguyên giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, nói: “Trong xã hội không có nghề nào thấp hèn cả. Tất cả đều bình đẳng như nhau. Không có những CNVS thì chúng ta không thể có được một TP sạch đẹp”.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Công ty Dịch vụ Đô thị và Quản lý nhà quận 10, cho biết, số CNVS có nhà chiếm tỉ lệ rất thấp, chủ yếu họ sống ở ngoại thành. Trên đường làm nhiệm vụ họ lại rất dễ bị tai nạn giao thông. Do vậy, chị Hạnh đề nghị các cấp ngành cần quan tâm hơn nữa, không chỉ động viên mà cần đầu tư trang thiết bị, tạo điều kiện để CNVS an tâm làm việc.

Tấm gương giáo dục cộng đồng

Kết thúc buổi giao lưu, PGS-TS Phan Minh Tân, Phó Giám đốc Sở KH-CN-MT, một lần nữa khẳng định: “ CNVS là những tấm gương tốt trong việc giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường. Tuyên dương CNVS là việc làm thiết thực và sẽ được duy trì tổ chức thường xuyên”. Ông hứa Sở KH-CN-MT sẽ phối hợp Sở Giao thông Công chánh đề xuất TP tổ chức xe đưa rước CNVS đi làm, tăng cường phương tiện làm việc tốt hơn để tăng hiệu quả làm việc của CNVS.

Kim Oanh


 

Ngày qua ngày... nhẫn nhịn trước những hành động khiêu khích, tấn công

Giao thừa năm nay, có trên 500 công nhân của ngành vệ sinh không được đón giao thừa cùng với gia đình. Cũng như mọi năm, họ cùng nhau có mặt trên những con đường để quét dọn, vận chuyển rác, sáng hôm sau, trong những ngày đầu xuân, người dân TP được đi qua những con đường sạch đẹp.

Tai nạn giao thông luôn rình rập

Tất cả những thành viên của Đội Vệ sinh thuộc Công ty Công trình Công cộng quận Bình Thạnh vẫn chưa quên được cái đêm định mệnh 16-5-2002: Họ đã mất đi một đồng đội chỉ vì một kẻ say xỉn. Đêm ấy, người công nhân quét rác Nguyễn Công Tuấn đang làm nhiệm vụ trên đường Điện Biên Phủ bất ngờ bị một xe gắn máy tông phải. Anh Tuấn đã chết trên đường đi đến bệnh viện. Đây chỉ là 1 trong 13 trường hợp tai nạn lao động xảy ra cho đội từ đầu năm đến nay. Có những tai nạn mặc dù không cướp đi sinh mạng của người công nhân nhưng đã biến họ trở thành người tàn phế, thậm chí biến họ thành gánh nặng cho gia đình. Trường hợp của anh Nguyễn Ngọc Ẩn, sau tai nạn giao thông với tỉ lệ thương tật là 81%, anh Ẩn đã trở thành một người tâm thần do bị chấn thương sọ não nặng. Hay như trường hợp anh Võ Thanh Hoàng, kể từ khi gặp tai nạn đã phải nằm nhà hơn 6 tháng qua, chưa biết bao giờ có thể đi làm trở lại.

Chị Trần Thị Mỹ Lệ, Công ty Dịch vụ Đô thị và Quản lý nhà quận 10:

Đây là một nghề chân chính

Người dân chỉ cần nghe thấy hai tiếng “vệ sinh” và nhác thấy xe rác là họ đã tránh xa. Nhiều người chưa có cái nhìn đúng về nghề này nên có cách đối xử không tốt. Những lúc như thế, tôi cảm thấy mặc cảm và nản chí muốn bỏ nghề. Nhưng rồi mẹ tôi khuyên đây là một nghề chân chính và nhờ sự động viên của các cấp lãnh đạo trong công ty đã khiến tôi tự tin và “trụ” lại với nghề.

Chị Võ Kim Hương, Công ty Dịch vụ Công ích quận 7:

Nhờ các con động viên

Lương của tôi trước đây chỉ ở mức 600.000 đồng, không đủ trang trải cuộc sống với một nách 5 con (chồng mất vì tai nạn giao thông). Tranh thủ lúc làm việc, tôi gom nhặt rau củ bỏ đi để chăn nuôi heo cải thiện cuộc sống. Nhiều lúc bị người khác xem thường nghề nghiệp của mình cũng cảm thấy tủi thân muốn bỏ. Chính lúc đó, các con tôi thấu hiểu và động viên tôi khiến tôi vững tin mà phấn đấu.

Chị Nguyễn Thị Hường, Công ty Dịch vụ Công ích quận 8:

Hạnh phúc khi con vào đại học

Tôi nối tiếp nghề của mẹ và gắn bó với nghề công nhân vệ sinh 25 năm nay. Công việc của tôi bắt đầu từ 4 giờ đến 22 giờ. Tranh thủ những lúc tạm nghỉ giữa trưa để chạy về nhà dạy con học. Nay tôi rất hạnh phúc khi nhìn thấy đứa con trai của mình vào đại học, rất thấu hiểu và cảm thông với nỗi vất vả trong công việc của tôi. Gia đình tôi luôn động viên và tự hào về công việc tôi đang làm. Bản thân tôi cũng rất tự hào với công việc này.

Bị tấn công khi đang làm nhiệm vụ

Không chỉ hứng chịu những tai nạn giao thông, những người làm việc trong ngành vệ sinh còn là nạn nhân của những hành động quá khích. Khi bãi rác Đông Thạnh còn đang hoạt động, tài xế bị chặn xe, hù dọa, ném đá cảnh cáo. Điển hình như trường hợp của tài xế Lê Minh Thạnh thuộc Xí nghiệp Vận chuyển số 1 (Công ty Môi trường Đô thị TP) đã bị người dân ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn ném đá ngất xỉu tại chỗ khi đang vận chuyển rác. Và bây giờ khi bãi rác Phước Hiệp đi vào họat động cũng đã có trường hợp người dân ngăn chặn không cho xe rác vận chuyển rác vào bãi, không biết rồi sẽ có chuyện gì xảy ra cho họ nữa? Gần đây nhất, lực lượng vệ sinh xung kích đô thị (VSXKĐT) liên tục bị người dân dùng lời lẽ thô tục thóa mạ, thậm chí còn hành hung khi lực lượng này có lời nhắc nhở những người dân có hành vi xả rác bừa bãi. Anh Trương Thành Thái, đội viên thuộc lực lượng VSXKĐT, đã bị người bán thuốc lá ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa chửi bới và hành hung khi anh nhắc nhở về thói quen xả rác của ông này. Anh Thái bức xúc, mình vì lợi ích chung nhưng chẳng ai đồng tình thậm chí còn bị người dân xả rác trước mặt để tỏ vẻ khiêu khích. Những lời thóa mạ trên ít nhiều đã ảnh hưởng đến tinh thần, nhiệt huyết của các đội viên.

Cần có một cơ chế bảo vệ

Trước tình hình trên, thiết nghĩ cần đặt vấn đề về một cơ chế bảo vệ an toàn lao động cho đội ngũ công nhân vệ sinh. Nhưng tất cả những câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng đều là: chưa có! Chủ tịch Công đoàn của Công ty Môi trường Đô thị TP Đặng Ngọc Đồng thì chỉ lắc đầu và khuyên anh em nên... nhịn nếu bị người dân có hành động quá khích. Như vậy, cho đến nay ngoài việc nhận được khoản tiền bảo hiểm xã hội khi sự việc đã rồi thì không có gì để đảm bảo an toàn cho những người công nhân làm cái nghề vốn rất khắc nghiệt và mang đầy rủi ro này. Gánh nặng trong công việc của họ ngày càng nặng hơn khi xã hội còn quá nhiều những hành vi vô ý thức.

THU MAI- ĐOÀN PHÚ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo