Có mái nhà che nắng, che mưa
Tâm sự của chị Loan cũng là suy nghĩ của nhiều CN đội vệ sinh công ty. Thời điểm doanh nghiệp (DN) được thành lập (tháng 4-1998), hầu hết CN tuyển vào là lao động nông nghiệp, đời sống vốn rất bấp bênh. Những lần đến thăm CN vào dịp Tết, lãnh đạo công ty đã không khỏi trăn trở khi chứng kiến điều kiện sống tạm bợ của họ: phần lớn là nhà tranh, nền đất, trống trước, hụt sau. Trong điều kiện hiện có, làm cách nào để nâng cao chất lượng đời sống CN vệ sinh là một thách thức đối với chi bộ, chính quyền và các đoàn thể tại DN. Đầu năm 1999, lãnh đạo công ty quyết tâm triển khai thực hiện chương trình “Xóa nhà lá, xóa nền đất”. Đặt ra quyết tâm là vậy, song khi triển khai thực hiện, công ty đã gặp không ít khó khăn, nhất là nguồn kinh phí. Tuy nhiên, trở ngại này đã được hóa giải bằng chủ trương tổ chức cho CN lấy rác trong các khu dân cư (ngoài giờ làm việc) để tạo nguồn kinh phí. Thực tế, nguồn kinh phí có được từ việc lấy rác hàng tháng chỉ tròm trèm khoảng 2 triệu đồng. Thay vì chia đều ra (chỉ vài chục ngàn đồng/tháng), công ty quyết định vận động CN trích lại khoản tiền công này để thực hiện chương trình. Hiểu được chủ trương của DN, hầu hết CN đều đồng ý. Chủ trương chung của DN để việc bình chọn đối tượng được công khai, dân chủ là: lấy ý kiến tập thể, ưu tiên cho CN có hoàn cảnh khó khăn nhất. Khi tiến hành sửa chữa, do kinh phí hạn hẹp, nhiều khi không đủ trả chi phí nhân công, Công đoàn (CĐ) cơ sở đã vận động CN góp công, xây nhà. Nhiều CN còn có sáng kiến tận dụng vật liệu thừa khi thi công các công trình xây dựng để giúp đồng nghiệp giảm bớt khó khăn. Bà Nguyễn Thị Tâm, chủ tịch CĐ, cho biết thêm: Khi việc xây dựng hoàn tất, chi phí thực hiện được công khai trước tập thể trong không khí cởi mở, thân ái hòa lẫn sự tin cậy. Với nỗ lực trên, hiện công ty đã cơ bản hoàn tất chương trình “Xóa nhà lá, xóa nền đất” cho CN. Gặp chúng tôi, nhiều CN bộc bạch: Mấy năm trước, mỗi khi trời mưa lớn là vợ chồng con cái ngồi co ro trên giường do nhà bị dột. Giờ thì an tâm rồi.
Xây dựng quy chế động viên CN học tập
Trọn ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, trường Tiểu học Phú Xuân luôn có những học viên đặc biệt trong bộ đồng phục màu vàng đến lớp. Hình ảnh đặc biệt gây xúc động nhất của lớp học: xen lẫn những mái đầu xanh là những mái tóc đã điểm bạc. Đó là 32 CN vệ sinh đang theo học lớp 8 bổ túc của Công ty DVCI huyện Nhà Bè. “DN muốn phát triển bền vững, năng lực của đội ngũ lao động là yếu tố quyết định. Bằng mọi cách phải nâng cao trình độ học vấn cho CN”- Bà Hồ Thị Tuyết Mai, bí thư chi bộ kiêm phó giám đốc công ty nói. Trên cơ sở nghị quyết chương trình 17 của Thành ủy và Chỉ thị 07 về việc nâng cao trình độ học vấn cho CN của huyện ủy, đầu năm 2000, công ty đã thành lập ban chỉ đạo chương trình. Thời gian đầu, trở ngại duy nhất là làm sao thay đổi nhận thức của CN. Trong thực tế, ngoài giờ làm việc ban đêm, nhiều CN phải làm thêm đủ thứ vào buổi sáng để cải thiện thu nhập; nếu đi học sẽ ảnh hưởng không ít đến đời sống. Một số khác ngán ngại do lớn tuổi, kiến thức nền bị hẫng, thậm chí trong họ còn tồn tại suy nghĩ: dốt mới vào làm CN vệ sinh. Song, khó khăn này đã được ban chỉ đạo lớp học kiên trì vận động, thuyết phục. Để động viên và nâng cao tính tự giác của CN, bên cạnh việc hỗ trợ 50% kinh phí, số còn lại LĐLĐ huyện hỗ trợ 25%, người lao động góp 25%. Công ty còn xây dựng quy chế học tập, trong đó quy định rõ chế độ khen thưởng, kỷ luật. CN giỏi được xét nâng bậc và nâng lương đúng hạn; ngược lại sẽ hạ mức thi đua. Trong quá trình học, CĐ cơ sở còn cử người trực tiếp theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ CN tháo gỡ khó khăn trong học tập. Đồng thời, thường xuyên liên hệ với giáo viên phụ trách để đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp, xóa được tâm lý ngán ngại đến lớp của CN lớn tuổi. Nhờ vậy, sĩ số học viên và chất lượng học tập được duy trì. Sự quyết tâm của DN và các đoàn thể khiến CN dần dần thay đổi suy nghĩ. Cảm động nhất là dù địa điểm học cách xa nhà hàng chục cây số, CN vẫn đội mưa đến lớp. Nhiều CN nói, được học hành họ hiểu rõ hơn các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tháng 4-2003, học viên của lớp BTVH lại đón nhận thêm tin vui: Ban thường vụ LĐLĐ huyện quyết định hỗ trợ 50% kinh phí học tập, CN không phải tự túc 25% như trước. “Bài học kinh nghiệm lớn nhất rút ra từ chương trình là công tác vận động quần chúng và nỗ lực tự thân từ phía người lao động” - Ông Vũ Đăng, phó phòng kế hoạch - kinh doanh công ty, một trong những người có công xây dựng lớp bổ túc văn hóa, nhìn nhận. Nỗ lực nâng cao điều kiện sống, trình độ học vấn cho đội ngũ CN vệ sinh của lãnh đạo công ty đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vào cuối năm 2002.
Bình luận (0)