Công ty TNHH MTV Nam Nung (gọi tắt là Công ty Nam Nung; huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) là doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông. Nhiều năm qua, DN này rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, nợ lương, BHXH của hàng trăm cán bộ, công nhân (CN) gần 37 tỉ đồng.
Cầm cố giấy tờ nhà để trả nợ
Ông Phan Công Phúc, CN Công ty Nam Nung, cho biết đã cống hiến cho công ty nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán tiền lương với số tiền khoảng 140 triệu đồng. Không được trả lương, để có tiền trang trải cuộc sống, gia đình ông phải đi vay mượn khắp nơi. "Trong công ty có người còn mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi cầm cố để nuôi sống gia đình và chờ công ty thanh toán để trả nợ. Chúng tôi đã nhiều lần nộp đơn đến chính quyền nhưng vẫn chưa giải quyết" - ông Phúc bức xúc.
Bị nợ lương nhiều năm, người lao động Công ty TNHH MTV Nam Nung rơi vào khó khăn
Tương tự, ông Y Thi (nhân viên bảo vệ) hiện bị công ty nợ lương hơn 175 triệu đồng. Đến ngày nhận lương, công ty đưa ra một tờ giấy có đóng dấu ghi nội dung: Biên bản đối chiếu công nợ và các khoản phụ cấp theo lương. CN ký vào công nợ, để xác nhận công ty đang nợ lương của cCB-CNV. Ông Phạm Xuân Ngọc, nhân viên quản lý bảo vệ rừng, cũng bị nợ lương gần 150 triệu đồng. "Lãnh đạo công ty tổ chức họp hết lần này đến lần khác và cũng chỉ đưa ra lời hứa sẽ trả lương nhưng mãi không thấy. Năm hết, Tết đến rồi, chúng tôi tha thiết mong các cấp lãnh đạo có phương án trả vài tháng lương để chúng tôi có tiền chi dùng trong những ngày Tết" - ông Ngọc khẩn cầu.
Chưa có phương án giải quyết
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hà Hữu Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Nam Nung, thừa nhận hiện đơn vị đang gặp khó khăn về tài chính, không có khả năng thanh toán tiền lương, BHXH cho người lao động. Hiện công ty nợ lương tất cả CB-CNV là 114 người với tổng số tiền hơn 17 tỉ đồng từ năm 2013 đến nay. Chỉ tính riêng trong năm 2019, DN nợ gần 3 tỉ đồng tiền lương từ tháng 7 đến nay. Bên cạnh đó, công ty cũng nợ hơn 19 tỉ đồng BHXH.
Lý giải vì sao nợ, ông Thanh cho biết nguồn thu của công ty chủ yếu từ hơn 450 ha cao su nhưng có thời điểm giá mủ cao su thấp nên tình hình thu chi của công ty càng rơi vào khó khăn. Bên cạnh đó, những năm gần đây, người dân đã vào tranh chấp gần một nửa diện tích cao su rồi tự khai thác mủ mang đi bán. Công ty cũng đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Về phương án trả nợ, ông Thanh cho rằng năm 2017, UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt phương án sử dụng đất để cổ phần hóa công ty. Theo quy định, số diện tích rừng tự nhiên công ty quản lý từ trước đến nay sẽ bàn giao về địa phương quản lý. Tuy nhiên, địa phương không nhận số diện tích rừng tự nhiên nên sau đó lại đưa vào và chờ phê duyệt phương án sử dụng đất. "Công ty cũng đã đáp ứng đủ các hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu để thực hiện cổ phần hóa nhưng các cơ quan tham mưu có phần chậm trễ, do vậy đến nay vẫn chưa cổ phần hóa được. Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông sớm giải quyết vấn đề tranh chấp và thực hiện việc cổ phần hóa. Khi đó, phương án trả lương cho người lao động sẽ đơn giản hơn nhiều" - ông Thanh cho biết thêm.
Bình luận (0)