Báo Người Lao Động số ra ngày 13-1 đã thông tin về việc Công ty Liên doanh Chế biến và Đóng gói thủy hải sản (viết tắt là USPC) đóng tại KCN Đồng An, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương có những hành vi ngăn cản người lao động (NLĐ) thành lập, gia nhập CĐ. Những tài liệu chúng tôi có được cho thấy công ty này còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động VN.
Ông Lê Đức Thiện khiếu nại tại Báo NLĐ
“Nhốt” cán bộ CĐ
Công ty USPC chính thức hoạt động từ tháng 6-2003. Từ ngày đi vào hoạt động tới nay, ông Byron Scott McLaughlin, Tổng Giám đốc Công ty USPC, đã nhiều lần ngăn cản cán bộ CĐ các KCN Bình Dương đến vận động thành lập CĐ theo yêu cầu của NLĐ. Ông Bùi Thanh Nhân, Chủ tịch CĐ các KCN Bình Dương, cho biết: “Nhiều lần chúng tôi đến công ty đặt vấn đề thành lập CĐ đã bị thẳng thừng từ chối. Thậm chí có lần, ông Byron Scott McLaughlin còn đập bàn, đập ghế và có lời nói thách thức khi chúng tôi cố gắng giải thích việc thành lập CĐ trong doanh nghiệp là quy định của pháp luật VN”.
Còn với bà Nguyễn Thị Kiều Nhi, cán bộ LĐLĐ tỉnh Bình Dương, dù đã gần 5 năm trôi qua, nhưng khi nhắc lại chuyện vận động thành lập CĐ ở Công ty USPC vẫn còn bức xúc. Bà Nhi kể lần đó bà cùng ông Trần Thanh Liêm, cán bộ LĐLĐ tỉnh Bình Dương, đến vận động công ty tạo điều kiện thành lập CĐ. Lập tức ban giám đốc công ty ra lệnh cho bảo vệ đóng cửa “nhốt lại” sau khi đã tịch thu biên bản do hai cán bộ trên ghi nhận. Mãi hơn một giờ sau, hai cán bộ CĐ tỉnh Bình Dương mới được USPC “thả” cho về.
Phạm luật trắng trợn
Ông Trần Ngọc Vân, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra CĐ các KCN Bình Dương, khi đọc bản hợp đồng lao động (HĐLĐ) và hợp đồng dân sự do Công ty USPC soạn thảo đã “không khỏi ngỡ ngàng trước sự vi phạm trắng trợn hiến pháp và pháp luật VN”. Theo đó, Công ty USPC yêu cầu NLĐ sẵn sàng đồng ý làm thêm giờ khi có yêu cầu của quản lý hoặc phòng nhân sự, giờ làm thêm chỉ được tính bằng 1,5 lần đơn giá giờ làm bình thường và chỉ được thanh toán khi NLĐ đã đáp ứng đủ tổng số giờ yêu cầu phải làm trong một tháng. Công ty USPC còn tự ý đặt ra “thẻ vàng” để “ghi nhận những lỗi NLĐ vi phạm” và căn cứ vào số thẻ này để trừ tiền của NLĐ.
Đặc biệt “quái chiêu” là trong bản hợp đồng “kép” này, Công ty USPC đã thể hiện rõ ý đồ của chủ doanh nghiệp không cho thành lập tổ chức CĐ tại công ty. Điều VII hợp đồng có ghi sẵn nhiều câu như: “NLĐ muốn làm việc tại Công ty USPC nhưng không muốn tham gia tổ chức CĐ. Tôi ký tên dưới đây chấp thuận và đồng ý làm việc ở Công ty USPC mà không cần có tổ chức CĐ, bởi vì tôi muốn tuyên bố rằng điều kiện làm việc tại Công ty USPC là quá tốt, vì vậy cho nên tôi thật sự tin rằng tổ chức CĐ là không cần thiết ở đây”.
Nội dung trong hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động của Công ty USPC
Nói một đằng, làm một nẻo
Dù tuyên bố “điều kiện làm việc tại Công ty USPC là quá tốt” nhưng trong đợt kiểm tra thực hiện pháp luật lao động tại Công ty USPC mới đây, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương đã ghi nhận doanh nghiệp này có nhiều sai phạm. Đó là không giao một bản HĐLĐ cho 231 lao động; không trả tiền vào lương cho 92 công nhân (CN) chưa đủ điều kiện tham gia BHXH bắt buộc; thử việc quá thời gian quy định. USPC cũng không đăng ký thang, bảng lương; không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; không kiểm định thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn lao động, chưa tổ chức tập huấn an toàn lao động cho CN...
Chưa hết, mới đây một số CN khi nghỉ việc không được công ty trả trợ cấp thôi việc. CN Đào Thị Phú cho biết khi nghỉ việc, chị báo trước đúng quy định của công ty, nhưng công ty “lờ” đi khoản trợ cấp thôi việc. Tương tự, chị Nguyễn Thị Hiên, mặc dù bị bệnh phổi nặng, xin nghỉ việc được công ty đồng ý cho nghỉ từ tháng 12-2009 nhưng lại bị “quên” tiền lương tháng 11 và trợ cấp thôi việc. Còn ông Lê Đức Thiện, CN vận hành lò hơi, bị trừ 1 triệu đồng và sau hơn 3 tháng nghỉ việc đến nay vẫn chưa nhận đầy đủ các chế độ...
Điều đáng nói là sau khi nhận đơn khiếu nại của NLĐ, Ủy ban Kiểm tra CĐ các KCN Bình Dương đã có văn bản và trực tiếp liên hệ với Công ty USPC, hẹn sáng 12-1 đến làm việc để giải quyết các khiếu nại trên. Nhưng đến hẹn, Công ty USPC lại từ chối tiếp xúc.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM: Cần kiến nghị xử phạt
|
Bình luận (0)