Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-4 tới. Theo đó, bệnh COVID-19 là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động. Người lao động làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 bao gồm 3 nhóm: nhóm người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế; nhóm người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa virus SARS-CoV-2; nhóm người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Bộ Y tế cho biết thời gian khám xác định di chứng sau tối thiểu 6 tháng kể từ khi mắc bệnh COVID-19 và được điều trị ổn định. Trường hợp không điều trị ổn định được thực hiện theo quy định hiện hành. Bộ Y tế hướng dẫn những người làm nghề, công việc trên được chẩn đoán xác định mắc bệnh COVID-19 do tiếp xúc trong quá trình lao động trong thời gian từ ngày 1-2-2020 đến trước 1-4-2023 được lập hồ sơ BNN để khám giám định và được hưởng chế độ BNN theo các quy định hiện hành. Tùy vào tình trạng bệnh mà mức hưởng chế độ BNN được nhận một lần hoặc hằng tháng.
Hiện trên thế giới đã có hàng chục quốc gia công nhận COVID-19 là BNN hoặc được hưởng chế độ bồi thường. Tại Việt Nam, với việc công nhận COVID-19 là BNN, hiện nước ta có 35 bệnh được hưởng BHXH, trong đó có những bệnh như: viêm phế quản mạn tính, hen, nhiễm độc chì, nhiễm độc nghề nghiệp do benzen hay nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp...
Bình luận (0)