Bộ Y tế đang lấy ý kiến và hoàn tất dự thảo thông tư bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp (BNN) được hưởng BHXH, trong đó đề xuất 6 nhóm ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao.
Đề xuất 6 nhóm mắc Covid-19 là bệnh nghề nghiệp
Theo dự thảo này, bệnh Covid-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động (NLĐ) phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.
Theo hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh Covid-19 nghề nghiệp thì nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với vius SARS-CoV-2 bao gồm 6 nhóm. Cụ thể: người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế; người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu SARS-CoV-2; người làm nghề, công việc trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà; người làm nghề, công việc vận chuyển, phục vụ người bệnh Covid-19; người làm nghề, công việc vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh Covid-19; người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2.
Trong đó, nhóm thứ 2 bao gồm những người là giám sát, điều tra, xác minh dịch; nhân viên hải quan, ngoại giao, làm công tác xuất nhập cảnh; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng; chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an; người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng chống dịch Covid-19.
Cũng theo dự thảo, những trường hợp này có thời gian tiếp xúc tối thiểu (thời gian tiếp xúc ngắn nhất với yếu tố có hại trong quá trình lao động để có thể gây BNN) một lần. Khoảng thời gian từ khi NLĐ đã thôi tiếp xúc với yếu tố có hại đến thời điểm vẫn còn khả năng phát bệnh do yếu tố có hại đó là 28 ngày.
Nhân viên y tế tại TP HCM lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong khu vực dân cư. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Có di chứng sau 6 tháng mới được coi là bệnh nghề nghiệp
Lý giải về việc đề xuất bổ sung bệnh Covid-19 nghề nghiệp vào danh mục BNN được hưởng BHXH là hết sức cần thiết và cấp bách, TS-BS Nguyễn Đình Trung, Trưởng Khoa BNN - Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho biết hiện Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu. Covid-19 thường xuyên có biến thể mới, tốc độ lây lan rất cao, đặc biệt là với các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch. Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp... "Khi bệnh Covid-19 được bổ sung vào danh mục BNN được hưởng BHXH, các đối tượng được thụ hưởng chính sách này sẽ yên tâm hơn trong công tác" - ông Trung nhận xét.
Các nghiên cứu cho thấy người mắc Covid-19 bị tác động đến đa cơ quan, bộ phận trên cơ thể, để lại nhiều tổn thương không thể phát hiện ngay khi khỏi bệnh. Theo một số tài liệu, di chứng của bệnh Covid-19 có thể xuất hiện sau 6 tháng khỏi bệnh và gây ra stress cho người bệnh như ám ảnh tâm thần, rối loạn tâm thần...
Ngoài ra, nhiều bằng chứng cho thấy hàng loạt triệu chứng vẫn tồn tại dai dẳng sau đợt nhiễm trùng cấp tính do SARS-CoV-2, nhất là "hội chứng hậu Covid". Trên thực tế, một số di chứng chính sau khi khỏi bệnh Covid-19 gồm: các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi, đau khớp, đau cơ, rối loạn vị giác, rối loạn khứu giác, rụng tóc và biểu hiện về hô hấp đều đã được quy định với các mã bệnh khác nhau.
Góp ý cho dự thảo của Bộ Y tế, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị đánh giá đầy đủ tác động của chính sách này về mặt tích cực (lợi ích) lẫn tiêu cực (chi phí); điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính. Trong trường hợp coi Covid-19 là "bệnh lưu hành" thì cần nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật liên quan và cân nhắc việc có cần thiết hay không phải bổ sung bệnh Covid-19 là BNN vào danh mục BNN được hưởng BHXH.
Trong khi đó, BHXH Việt Nam cho rằng Covid-19 không thực sự đặc trưng cho một nghề hay một nhóm nghề như các BNN khác. Covid-19, đặc biệt là biến chủng Omicron, có khả năng lây nhiễm rất nhanh trong nhiều môi trường tiếp xúc, ở bất cứ ngành nghề, công việc, khu vực nào cũng có thể lây nhiễm. Vì vậy, NLĐ thuộc 6 nhóm ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao nêu trên có thể bị lây nhiễm ngoài môi trường làm việc. Trong khi đó, phạm vi các ngành nghề nguy cơ lây nhiễm cao khá rộng nên có khả năng xảy ra tình trạng lạm dụng, trục lợi chính sách.
Bộ Y tế vẫn đang hoàn tất việc giải trình và xin ý kiến các bộ, ngành về việc đưa bệnh Covid-19 vào nhóm BNN. Nếu được thông qua, đây là BNN thứ 35 được công nhận. Đến nay, 37 quốc gia đã công nhận bệnh Covid-19 là BNN.
Chỉ xác định tỉ lệ thương tật ở trường hợp có di chứng
Đại diện BHXH Việt Nam cũng lo ngại về những ảnh hưởng do tác động chính sách tới Quỹ BHXH. Thực tế hiện nay, khi triển khai thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/2021 của Chính phủ, số tiền đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và BNN từ tháng 7-2021 đến hết tháng 6-2022 đã giảm trên 4.300 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Y tế, so với dự thảo ban đầu và tình hình thực tế diễn biến dịch Covid-19, dự thảo lần này đã điều chỉnh, không quy định tỉ lệ thương tật của người mắc Covid-19 không có di chứng, mà chỉ xác định đối với trường hợp có di chứng sau 6 tháng mắc Covid-19. Với những tiêu chí này, tỉ lệ người được xác định mắc BNN sẽ không cao. Đơn cử trong đợt dịch ở Đà Nẵng, qua nghiên cứu với 40 nhân viên y tế mắc Covid-19, Bộ Y tế chọn ra 10 người có biểu hiện kéo dài, trong đó chỉ xác định 1 người có di chứng về viêm phổi, xơ phổi sau 1 năm mắc bệnh.
Bình luận (0)