“Sao vậy? Cho họ nghỉ việc thì phòng quản lý chất lượng sẽ thiếu người...” - tôi thắc mắc. Chị Thư than phiền: “Bọn trẻ bây giờ kỳ lắm. Làm việc đã chẳng ra làm sao lại còn hay đổ thừa”.
Trước nay, chị Thư nổi tiếng hay bênh vực lính, có sai sót gì trong lĩnh vực mình phụ trách, chị nhận hết trách nhiệm chứ không bao giờ viện lý do này kia hoặc đổ thừa cho nhân viên dưới quyền. Vậy mà lần này chị lên tiếng than thở thì chắc là đã quá sức chịu đựng. “Sai sót trong công việc thì ai cũng có thể mắc phải nhưng quan trọng là cách nhìn nhận và khắc phục sai sót. Tôi không thích nhân viên của mình không dám nhận trách nhiệm mà cứ quanh co đổ thừa”.
Chị nói như vậy rồi kể cho tôi nghe những điều mà chị không hài lòng. Anh A. có lần bỏ qua quy trình kiểm tra dẫn đến đánh giá không đúng về chất lượng sản phẩm, bị khách hàng than phiền. Thế nhưng, anh lại giải thích lý do của sai lầm là vì người cùng làm không kiểm tra kỹ. Lần khác, dưới xưởng để lọt một lô hàng kém chất lượng mà nguyên nhân là vị trí kiểm tra của anh A. không có người trực. Vậy mà anh lại đổ thừa do dưới xưởng chuyển hàng mà không thông báo thời gian cụ thể. Anh ta lý sự: “Chẳng lẽ tôi phải ngồi lì suốt ngày bên máy tính để chờ kiểm tra cho họ? Tại họ làm việc không có kế hoạch chứ làm sao nói lỗi do tôi?”.
Hai nhân viên còn lại cũng tương tự. Chị Thư kể cho tôi nghe xong thì nói dứt khoát: “Tôi trả họ về cho phòng nhân sự. Sắp tới hết hạn hợp đồng thì đề nghị công ty không ký tiếp”. Thấy chị kiên quyết như vậy, tôi biết sẽ khó thuyết phục chị giữ lại các nhân viên ấy. Tôi không dám nói với chị là một số phòng ban khác cũng đã gửi danh sách nhân viên đề nghị không tiếp tục gia hạn hợp đồng với lý do giống như vậy.
Nếu chỉ một người nói thì có thể tôi còn phân vân, đằng này nhiều người cùng lên tiếng thì có lẽ phòng nhân sự cũng phải nghiêm túc xem xét vấn đề để tham mưu cho ban giám đốc. Chỉ có điều là tôi cũng thấy buồn vì nhiều người trẻ mà lại như vậy...
Bình luận (0)