“Thành công chỉ đến khi chúng ta dồn hết tâm trí, niềm đam mê vào công việc mình đang làm. Ngoài mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển ổn định, theo tôi, mỗi một sản phẩm, một công trình chỉ có ý nghĩa thực sự khi đóng góp thiết thực cho xã hội, cho sự phát triển của TP và đất nước”. Ông Nguyễn Tuấn Việt, quản đốc xưởng đóng mới Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn, đã tâm sự như vậy tại lễ trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ IX do UBND TPHCM, LĐLĐ TP và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tối 17-8.
Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Nguyễn Huy Cận trao giải thưởng cho bà Hồ Thị Ngọc Truyền, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần TICO. Ảnh: T.THẠNH
Sáng tạo vì cộng đồng
Tâm sự của ông Việt cũng là mẫu số chung của 11 cá nhân được trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay. Đối với họ, ngoài niềm khát khao sáng tạo và khẳng định mình thì việc được đóng góp một phần công sức cho xã hội vừa là trách nhiệm vừa là đạo lý. Công trình hệ thống trợ giúp cho người khuyết tật đi xe buýt của ông Việt đã được triển khai thí điểm trên 10 xe buýt của tuyến Sài Gòn – Bình Tây và tuyến Đại học Quốc gia – Bến xe Miền Đông.
Còn với “kỹ sư không bằng cấp” Nguyễn Văn Dần, tổ trưởng tổ gò – hàn Công ty TNHH Cơ khí SABECO, môi trường làm việc của đồng nghiệp, của người dân trong vùng được “sạch” hơn chính là mục tiêu hướng đến của từng công trình mà ông tham gia thực hiện.
Khẳng định tay nghề Việt
Khát khao khẳng định tay nghề đã được những kỹ sư, công nhân đoạt giải dồn hết vào từng sản phẩm, công trình. Với việc thiết kế chế tạo thành công 14 thiết bị, trong đó có những sản phẩm lần đầu tiên sản xuất tại VN như máy ghép nylon tự động dùng khí nén và bộ lập trình PLC; máy hàn công nghiệp TIG, MIG... ông Nguyễn Trọng Linh, cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Công nghiệp Nam Phát (huyện Nhà Bè- TPHCM), đã chứng minh tay nghề của thợ VN không thua kém thế giới. Đó cũng chính là động lực để kỹ sư Hồ Thị Ngọc Truyền, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần TICO, thành công với các sản phẩm sử dụng cho sản xuất chất tẩy rửa, đem lại lợi nhuận cho công ty hàng chục tỉ đồng.
Ở một lĩnh vực khác, bếp trưởng Trần Thị Minh Tâm (Khách sạn Bến Thành), đã dồn hết tâm sức để sáng tạo những món ăn độc đáo, vừa giúp khách sạn tăng doanh thu, đồng thời quảng bá ẩm thực VN ra thế giới. Người bếp trưởng có 17 năm kinh nghiệm ấy bộc bạch: “Bên cạnh chương trình huấn luyện chuẩn, chúng tôi mạnh dạn thử lửa lớp trẻ. Bởi có được trui rèn, người đầu bếp mới có thể làm ra những món ăn có chất lượng”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Đóng góp thầm lặng
Những người thợ đầu đàn
Thành ủy, UBND TPHCM đã trao bằng khen và phần thưởng 20 triệu đồng cho 11 cá nhân đoạt giải Tôn Đức Thắng năm 2009: 1- Ông Đoàn Văn Hà (Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hùng Vương). 2- Ông Ngô Quyền (Công ty Điện lực TPHCM). 3- Ông Nguyễn Mạnh Hà (Công ty Cổ phần Dược phẩm Phong Phú). 4- Ông Nguyễn Tuấn Việt (Công ty TNHH Xe khách Sài Gòn). 5- Ông Trần Minh Dương (Xí nghiệp Điện cao thế miền 6- Ông Nguyễn Trọng Linh (Công ty Cổ phần Công nghiệp Nam Phát). 7- Ông Nguyễn Văn Dần (Công ty TNHH Cơ khí SABECO). 8- Ông Võ Phúc Nguyên (Công ty Truyền tải Điện IV). 9- Bà Trần Thị Minh Tâm (Khách sạn Bến Thành). 10- Ông Nguyễn Văn Sĩ (Công ty Cổ phần Thương mại Công nghiệp Lidovit). 11- Bà Hồ Thị Ngọc Truyền (Công ty Cổ phần TICO). |
Bình luận (0)