Theo hồ sơ, năm 2014, Hải đưa hai người em lên TP.HCM làm thủ tục xuất cảnh sang Hàn Quốc. Lợi dụng việc này, Hải nói dối nhiều người là Hải có khả năng làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc với chi phí 55 triệu đồng.
Sau đó, Hải nâng lên mỗi hồ sơ 70 triệu đồng, đưa trước 35 triệu, phí làm hồ sơ từ 100 USD đến 200 USD. Kèm theo hồ sơ gồm bản photo giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy khai sinh, ảnh và hộ chiếu phổ thông do người có nhu cầu đi lao động tự làm. Hải liên hệ để họ được cấp visa. Khi được cấp visa thì giao đủ cho Hải số tiền tại Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM.
Để mọi người tin tưởng, Hải in sẵn biên nhận và viết biên nhận nhận tiền thể hiện số tiền thực nhận, lý do nhận tiền, ngày cấp visa, số điện thoại liên lạc của Hải, số fax của bưu điện trung tâm quận Ô Môn (Cần Thơ). Sau đó, Hải hứa hẹn với mọi người từ hai đến bốn tháng sẽ được cấp visa. Do tin tưởng nên nhiều người đã đưa tiền cho Hải để làm hồ sơ.
Khi đến thời hạn nhận visa thì Hải tiếp tục nại ra nhiều lý do để trì hoãn nhiều lần như Hàn Quốc xảy ra động đất, dịch bệnh, thủ tục bên Việt Nam gặp trục trặc. Giữa năm 2016, Hải gọi điện cho nhiều người tập trung ở nhà Hải để thuê xe lên Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM để nhận visa. Tuy nhiên, khi mọi người lên tới nơi thì vào ngày nghỉ nên nơi đây không làm việc, gọi điện cho Hải không gặp được nên bỏ về. Sau đó, Hải nhắn tin cho vợ mình nói mọi người do trục trặc nên nói chờ thêm một thời gian. Do chờ quá lâu vẫn không sang Hàn Quốc được nên mọi người đã trình báo công an.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hải ra tòa ngày 25-4.
Tại tòa, vị đại diện VKS cho biết, trên thực tế số tiền mà Hải đã lừa của các bị hại là 1,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm cơ quan điều tra làm việc thì nhiều người không có ở địa phương hoặc không hợp tác nên VKS chỉ truy tố bị cáo chiếm đoạt số tiền 667 triệu của 19 bị hại, có người bị lừa 35 triệu nhưng chỉ yêu cầu bồi thường 30 triệu nên tổng số tiền các bị hại yêu cầu bồi thường là 662 triệu.
Tại tòa, ông Nguyễn Hồng Quân là cha của bị hại Nguyễn Hải Đăng cho biết, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nghĩ cho con đi lao động nước ngoài để kiếm được chút vốn làm ăn nên đã vay mượn nhiều nơi để có tiền làm hồ sơ, cho con đi học tiếng nước ngoài…
Ông Quân nói do biết người cùng ấp (cũng là bị hại) có con đi Hàn Quốc lao động nên ông cũng theo người này đóng tiền cho Hải. Ông cứ nghĩ làm thủ tục chỗ Hải sẽ nhanh hơn làm thủ tục đăng kí với cơ quan có thẩm quyền nên mới theo. Nhưng đến giờ này, khi phải ra tòa yêu cầu bị cáo trả lại (35 triệu đồng) thì ông Quân mới ngao ngán "đúng là tiền mất tật mang, tưởng nhanh hóa ra chậm không tưởng".
Sau vụ này, ông Quân cho biết, gia đình ông phải vừa làm vừa trả nợ số tiền đã đưa cho bị cáo và các khoản chi phí phát sinh lên tới 70 triệu đồng. Với gia đình làm ruộng thì số tiền ấy không phải là nhỏ.
Rất nhiều bị hại và đại diện bị hại có mặt ở tòa đều là những người lao động chân tay, có cuộc sống khó khăn mới nghĩ đến việc đi lao động Hàn Quốc để cải thiện mà không ngờ gặp ngay quả lừa của bị cáo.
Bình luận (0)