Sáng 15-1, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã làm việc với Ban Thường vụ LĐLĐ TP HCM. Báo cáo với lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP, khẳng định: “Năm 2013, bằng việc định hướng hoạt động sát sườn với thực tiễn, phong trào CNVC-LĐ và hoạt động Công đoàn (CĐ) TP HCM đã vượt qua được những khó khăn, thách thức, đáp ứng mong mỏi của đội ngũ CNVC-LĐ”.
Chăm sóc toàn diện
Chủ động giám sát thực hiện chính sách, huy động mọi nguồn lực và dồn sức chăm lo cho công nhân (CN) có hoàn cảnh khó khăn, nhất là CN mất việc tại các doanh nghiệp (DN) giải thể, thu hẹp sản xuất là thành quả nổi bật của tổ chức CĐ TP trong năm qua.
Năm 2013, TP HCM xảy ra 92 vụ tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể, giảm 17 vụ so với năm trước. Có được kết quả ấy là nhờ các cấp CĐ TP đã dự báo chính xác tình hình DN, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động (NLĐ) để thương lượng với người sử dụng lao động giải quyết. Theo bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch LĐLĐ TP, tinh thần trách nhiệm cùng sự chủ động của tổ chức CĐ TP đã góp phần ngăn ngừa tranh chấp tại DN, củng cố vị trí và vai trò CĐ trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ.
Điểm son khác của hoạt động CĐ TP là chăm lo cho CN có hoàn cảnh khó khăn, nhất là CN mất việc do DN thu hẹp sản xuất, chủ bỏ trốn. Điển hình là Tết Nguyên đán 2013, các cấp CĐ đã phối hợp với 9.389 DN tặng quà Tết cho 712.679 CN khó khăn với tổng kinh phí hơn 789 tỉ đồng (tăng 82,52% số người và 77,62% số tiền so với năm 2012); vận động 384 DN phối hợp tổ chức xe đưa 26.782 CN về quê ăn Tết. Đặc biệt, “Tháng CN” tiếp tục tạo tiếng vang, nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, DN và CNVC-LĐ.
Ngăn ngừa tranh chấp từ gốc
Trả lời câu hỏi về năng lực đại diện của đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở tại các DN, ông Nguyễn Văn Khải khẳng định tình hình tranh chấp năm 2013 giảm có đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở. Ở các DN có nguy cơ tranh chấp, nhờ tổ chức tốt mạng lưới dư luận xã hội nên cán bộ CĐ cơ sở nắm chắc mọi diễn biến, từ đó kịp thời đề xuất DN giải quyết, ngăn ngừa tranh chấp từ gốc. Về phía CĐ cấp trên cơ sở, công tác tư vấn chính sách, hỗ trợ cho cơ sở cũng được tăng cường, giúp đội ngũ cán bộ tự tin hơn khi thương thảo.
Đánh giá cao nỗ lực này của các cấp CĐ TP song ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đặc biệt lưu ý Bộ Luật Lao động và Luật CĐ sửa đổi chính thức có hiệu lực càng đòi hỏi tổ chức CĐ phải làm tốt hơn vai trò đại diện. “Năm 2014, LĐLĐ TP nên mạnh dạn chọn một CĐ cấp trên để thí điểm triển khai chương trình hỗ trợ CĐ cơ sở ở các DN chưa có CĐ thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Để thực hiện chương trình này, LĐLĐ TP cần lập các nhóm chuyên gia có kinh nghiệm để hỗ trợ cơ sở” - ông Chính gợi ý.
Giải đáp băn khoăn của lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam về chính sách hỗ trợ CN mất việc tại các DN chủ bỏ trốn, thu hẹp sản xuất, bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, cho biết song song với việc giám sát chi trả chế độ và hỗ trợ thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, các cấp CĐ còn chủ động liên hệ tìm việc làm mới cho CN. Được hưởng đầy đủ quyền lợi và có việc làm ngay nên CN sớm ổn định cuộc sống, thêm tin cậy CĐ. Về những giải pháp hỗ trợ nữ CN có con nhỏ, bà Nguyễn Thị Thu bày tỏ quyết tâm: “Năm 2014, song song với khảo sát nhu cầu gửi trẻ của nữ CN, LĐLĐ TP sẽ chủ động đề xuất Thành ủy, UBND TP và các sở, ngành quy hoạch lại nguồn quỹ đất tại các KCX-KCN để xây nhà trẻ cho con CN, giúp họ an tâm làm việc”.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Nâng tầm đội ngũ cán bộ
Năm 2014, ngoài tổ chức sâu rộng phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐ cơ sở, tổ chức CĐ TP cần dồn sức nâng tầm đội ngũ cán bộ, trong đó chú trọng rèn luyện kỹ năng thương thảo, hòa giải tranh chấp. CĐ cấp trên cũng cần tăng cường hỗ trợ cơ sở, ưu tiên thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Bình luận (0)