Trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Trên các diễn đàn, nhiều người lao động cho rằng đề xuất này khó khả thi bởi điều kiện sống, làm việc ở các ngành, nghề có sự khu biệt khá lớn. Một bạn đọc giấu tên thắc mắc: "Giảm năm đóng BHXH để có lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm là tạo điều kiện cho người đóng BHXH trễ, muộn có lương hưu...vậy với người đóng BHXH sớm, đóng dư 35 năm tại sao không được tạo điều kiện nghỉ sớm để lĩnh lương hưu? Công bằng ở chỗ nào khi người đóng muộn thì được tạo điều kiện còn người đóng sớm thì lại không? Chưa kể trước đây phải đóng 20 năm mới được 45% lương hưu, giờ đóng 16 năm thì được 47% lương hưu?".
Tương tự, một bạn đọc tên Vũ góp ý: "Nói chung là BHXH hiện giờ rất bất cập. Nói hạ từ 20 xuống 15 để tạo cơ hội cho người 45 đến 47 tuổi được hưởng lương hưu khi tham gia muộn. Tuổi này doanh nghiệp nào nhận vào làm để tham gia bảo hiểm? Và dù có đi chăng nữa cũng chỉ những người có trình độ và bằng cấp cao, chuyên gia này nọ, còn công nhân thì không có công ty nào tuyển lứa tuổi đó cả dù là có tay nghề. Và 1 thứ bất cập nữa, người tham gia bảo hiểm sớm, đủ năm thì không ưu tiên".
Một bạn đọc tên Dương đặt vấn đề: "Các công ty ở Việt Nam chỉ tuyển lao động từ 18-30 tuổi và những lao động qua 35 đã bị sa thải, sao mà lãnh được lương hưu?". Cùng góc nhìn, một bạn đọc tên Hiếu chia sẻ: "Không công ty nào cho người lao động ở tới tuổi đó đâu mà lãnh 40 là nó cho chuẩn bị thu dọn hành lý rồi".
Theo bạn đọc Nguyễn Đức Phương Tuấn, cơ quan soạn thảo Luật BHXH nên nghiên cứu tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu theo hình thức đa tầng. Những người lao động có hợp đồng lao động trong và ngoài nhà nước thì nên theo chế độ nghỉ hưu như trước đây là nam 60 tuổi nữ 55 tuổi. Ai có nguyện vọng nghỉ hưu thì nên giải quyết chế độ nghỉ hưu để hưởng lương hưu?". Một bạn đọc giấu tên viết: "Tính lương hưu nhân văn và khả thi nhất là căn cứ vào số năm đóng BHXH, vì số năm đóng là tiền tích lũy của người lao động. Còn tuổi không có ý nghĩa nhiều. Ví dụ người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi đến 60 tuổi là 45 năm rồi, còn người kia tham gia lúc 40 tuổi thì đến 60 tuổi chỉ có 20 năm thôi. Vì vậy nên tính số năm đóng BHXH để tính lương hưu cho người lao động mà không bàn đến tuổi hưu. Ví dụ đóng 15 năm hưởng 30%, 20 năm 45% .... 80%". Với bạn đọc Võ Thị Kim Phượng, nên lấy số năm đóng bảo hiểm làm chuẩn. Ví dụ từ 25 năm bảo hiểm trở lên và tuổi từ 50 trở lên thì được quyền lựa chọn nghỉ hưu hay làm tiếp".
Bình luận (0)