“Làm Công đoàn (CĐ) phải chăm lo thiết thực đời sống đoàn viên và người lao động chứ không thể chăm lo suông bằng lời nói. Muốn vậy thì phải có tiền, mà tiền thì không thể cứ đi xin. Tiền phải do chính mình tạo ra thì mới bền vững, mới chăm lo toàn diện cho anh em được”. Bác sĩ Phạm Văn Tấn, Chủ tịch CĐ cơ sở Trường ĐH Y Dược TP HCM, mở đầu câu chuyện bằng trải nghiệm mà ông tâm đắc trong nhiều năm hoạt động CĐ.
Quyết liệt hành động
“Trước đây, do thiếu kinh phí nên các hoạt động CĐ vẫn nhỏ lẻ, chưa thực sự chăm lo tốt cho người lao động. Năm 2012, thầy Võ Tấn Sơn, lúc đó là hiệu trưởng nhà trường, giao cho CĐ nhiệm vụ khai thác kinh tế từ hoạt động siêu âm tim để lấy kinh phí cho CĐ. Đó thật sự là một bước ngoặt làm cho hoạt động CĐ bắt đầu chuyển biến, thay đổi” - bác sĩ Tấn nhớ lại.
Vừa phải bảo đảm chuyên môn, phục vụ bệnh nhân vừa phải tạo được kinh phí để nuôi chính hoạt động này, lại vừa tạo nguồn quỹ cho CĐ chăm lo đời sống người lao động quả là một nhiệm vụ khó khăn mà bác sĩ Tấn và các đồng nghiệp phải vượt qua. Nhớ lại thời điểm đó, bác sĩ Tấn ví von: Cứ như “tay không bắt giặc”. Chỉ với chữ “tín” và niềm tin, ông đã cùng tập thể cán bộ CĐ đơn vị bắt tay vào việc.
Ý tưởng mua trả chậm các máy siêu âm tim được đề ra và thực hiện. “Đơn vị mình có uy tín nên nhiều công ty tin tưởng, đặt máy cho sử dụng và trả tiền dần” - bác sĩ Tấn kể. Ban đầu chỉ đưa 2 máy về hoạt động. Nguồn thu từ các máy siêu âm tim này được dùng để trả góp dần, một mặt đóng góp vào quỹ thu nhập cải thiện đời sống, ban đầu là của các bác sĩ, nhân viên y tế trực tiếp thực hiện, sau đó là toàn thể người lao động của nhà trường.
Sau thời gian hoạt động đến nay, số lượng máy siêu âm tim đã tăng thêm 7 máy, phục vụ hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày. Với 10 CĐ bộ phận, gần 4.000 người lao động, từ hoạt động kinh tế CĐ, hằng tháng, trên 400 người lao động thu nhập dưới 5 triệu đồng được trợ cấp thường xuyên từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/người. Tết vừa qua, chỉ riêng chi hỗ trợ quà Tết (1,8 triệu đồng/người) kinh phí đã hơn 4,2 tỉ đồng.
Cũng từ nguồn kinh phí gầy dựng được này, nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhân viên được tổ chức thường xuyên. Các hoạt động xã hội từ thiện, khám chữa bệnh, phát thuốc cho bệnh nhân nghèo vùng sâu, vùng xa, chăm lo cơ sở vật chất cho KTX sinh viên, mua máy uống nước cho bệnh nhân, hỗ trợ các cuộc thi nghiệp vụ, xây nhà tình thương, tình nghĩa... cũng được CĐ phối hợp với nhà trường tổ chức liên tục.
“Quả thật không có những cái máy này, mô hình này thì chẳng có chuyện gì để nói. Ở đây phải kể đến vai trò của anh Tấn như một đầu tàu, luôn đi đầu, xốc vác, cuốn hút anh em lao vào thực hiện. Ngoài vấn đề kinh tế, hoạt động này còn là một dịch vụ y tế đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ cao, bác sĩ Tấn luôn bám sát và chỉ đạo xuyên suốt từ ý tưởng cho đến khi triển khai” - ông Đặng Anh Long, Phó Phòng Kế toán Bệnh viện ĐH Y Dược, đánh giá.
Gương mẫu, quên mình
Cha mẹ tham gia kháng chiến, lớn lên trong chiến khu, trưởng thành từ hoạt động Đoàn và phong trào sinh viên sau ngày đất nước thống nhất nên dù đã lớn tuổi, “máu” hoạt động phong trào của bác sĩ Tấn vẫn tràn đầy. Ông không giấu được hào hứng khi kể về những chuyến đi khám bệnh cho người dân vùng sâu, vùng xa thời còn là sinh viên. Đến nay, dù bận nhiều việc nhưng ông vẫn đều đặn đi khám bệnh và vận động các bác sĩ trẻ cùng tham gia.
“Mỗi chuyến đi là một dịp trải nghiệm, học hỏi và giúp đỡ người dân mình, cũng là dịp để anh em trong đơn vị giao lưu và gắn kết với nhau. Nhiều kỷ niệm vui buồn còn theo mãi. Rất nhiều lần chúng tôi dự định chỉ đến khám và phát thuốc nhưng gặp ca bệnh nặng đột xuất đều phải nhào vô chữa trị” - bác sĩ Tấn hồi ức.
Cách đây mấy năm ra Côn Đảo, đột xuất gặp một anh ngư dân bị thủng dạ dày, ông và mọi người lập tức xắn tay vào phẫu thuật. Rồi có lần ra đảo Nam Du thì gặp sản phụ bị xuất huyết, ông cùng trạm trưởng y tế cũng lao vào mổ. Những lần lên Tây Nguyên, gặp mưa bão trôi cầu, cả đoàn phải lặn lội đường vòng gian nan...
“Chính cách hoạt động quên mình của bác sĩ Tấn đã lôi kéo được rất nhiều người tham gia. Nhiều bác sĩ gác qua một bên chuyện kinh tế, phòng mạch riêng... để tham gia các chương trình xã hội chung. Đặc thù của Trường ĐH Y Dược là có rất nhiều bộ phận từ giảng dạy, nghiên cứu, kỹ thuật, bệnh viện khám chữa bệnh, KTX sinh viên... nhưng khi có hoạt động là tất cả đều tham gia” - chị Bùi Thanh Giang, nhân viên hành chính của CĐ, cho biết.
Không mưu cầu gì cho bản thân
“Công việc này là tự nguyện, phải yêu thích mới làm được. Nhiều người bảo làm CĐ như “đờn ca sáo nhị, leo trèo cắt dán”, nói như vậy là chưa đánh giá hết vai trò của hoạt động CĐ. Nếu người lao động không yên tâm, không gắn bó là bất ổn ngay, rối hoạt động chuyên môn ngay. Với tôi, làm CĐ không phải để mưu cầu gì cho bản thân mà chính là đem lại cái gì thiết thực cho người lao động” - vị bác sĩ, chủ tịch CĐ đúc kết.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-7
Bình luận (0)