Trời mưa tầm tã buộc ban tổ chức phải dời địa điểm tổ chức chương trình “Hát cùng công nhân (CN)” vào phút chót. Thế nhưng, món quà âm nhạc đặc biệt mà Cung Văn hóa Lao động (VHLĐ) TP HCM dành cho người lao động (NLĐ) vừa qua vẫn thu hút đông đảo CN quận Gò Vấp. Chương trình sôi động với những tiết mục âm nhạc đặc sắc, đầy ý nghĩa bởi xen kẽ là hoạt động tặng quà cho CN có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. “Chương trình rất thiết thực và bổ ích đối với CN chúng tôi” - anh Bạch Minh Quang, CN Công ty Dịch vụ công ích quận Gò Vấp, nhận xét.
Điểm đến hấp dẫn
Cung VHLĐ TP HCM xây dựng từ năm 1865, đến năm 1975 được giao lại cho Liên hiệp Công đoàn (CĐ) TP (nay là LĐLĐ TP HCM) để hình thành Câu lạc bộ Lao Động (nay là Cung VHLĐ) - trung tâm văn hóa, thể thao phục vụ đời sống tinh thần cho CNVC-LĐ TP. Kiên trì mục tiêu ấy, sau 40 năm, Cung VHLĐ đã thực sự trở thành điểm hẹn lý tưởng của CNVC-LĐ nói riêng và người dân TP HCM nói chung.
Đến Cung VHLĐ, nhiều người bị thu hút bởi sự rộn ràng của tiếng cười, tiếng nhạc. Dưới sảnh lớn là nơi sinh hoạt của CLB khiêu vũ. Theo giai điệu réo rắt, từng đôi học viên sánh bước trong vũ điệu uyển chuyển. Không phân biệt tuổi tác, họ trở thành những người bạn tốt qua CLB nhờ niềm đam mê.
Cung VHLĐ TP HCM hiện có 45 CLB, đội, nhóm với khoảng 3.000 thành viên. Trong đó, nhiều CLB thu hút đông đảo thành viên như CLB khiêu vũ, thời trang, múa hiện đại... Bên cạnh những hoạt động thể hiện hơi thở cuộc sống hiện đại, Cung VHLĐ còn góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc khi thành lập những CLB mang đậm chất truyền thống như tài tử cải lương, dân ca quan họ, hát chèo, hát xoan... Tại Cung VHLĐ, sôi nổi nhất là những hoạt động TDTT với các bộ môn: bóng rổ, bóng chuyền, quần vợt, bóng bàn, bóng đá mini, bi sắt..., thu hút hàng ngàn CNVC-LĐ, học sinh, sinh viên mỗi ngày.
Hiểu đời sống tinh thần của CN KCX-KCN còn thiếu thốn nên không dừng lại ở các hoạt động tại chỗ, Cung VHLĐ TP HCM còn vươn đến các KCX-KCN. Dù mất nhiều công sức do điều kiện phương tiện hạn chế nhưng những hoạt động này vẫn luôn được duy trì, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của CN. Điển hình là chương trình “Hát cùng CN”, “Giờ thứ 9”...hằng năm phục vụ 40.000-50.000 CN.
Liên tục đổi mới, sáng tạo trong hoạt động nên mỗi năm, Cung VHLĐ TP HCM thu hút khoảng 3 triệu lượt CNVC-LĐ và người dân TP đến vui chơi, giải trí.
Phục vụ tận tụy
Không chỉ tạo điểm nhấn riêng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTD, Cung VHLĐ TP HCM còn tích cực trong việc chăm lo cho CN. Tận dụng thế mạnh của mình, hằng năm, Cung VHLĐ đã tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, như chương trình “Vòng tay yêu thương”, nhằm kêu gọi sự đóng góp của các mạnh thường quân để lấy kinh phí chăm lo cho hàng trăm CN khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh hiểm nghèo.
Chị Đặng Thị Yến - nguyên CN Công ty Hoằng Việt (KCX Tân Thuận), một trong những người bị tai nạn lao động nhận được hỗ trợ hằng năm từ Cung VHLĐ và LĐLĐ TP - xúc động: “Sự quan tâm của lãnh đạo LĐLĐ TP và Cung VHLĐ suốt nhiều năm qua giúp tôi cảm thấy ấm áp và có thêm động lực sống”.
Mỗi dịp Xuân về, Cung VHLĐ TP HCM lại trở thành nơi hội tụ của hàng trăm gia đình CN không về quê đón Tết qua chương trình “Gia đình Công đoàn”. Trong không gian rực rỡ, ấm cúng, sự thăm hỏi ân cần của lãnh đạo Thành ủy, UBND và CĐ TP HCM hòa cùng niềm vui của CN trở nên khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lòng người lao động xa xứ.
Mỗi năm, Cung VHLĐ TP HCM vận động chăm lo, tặng quà cho 3.000 CNVC-LĐ, con CNVC-LĐ khó khăn. Cung VHLĐ còn thể hiện vai trò đầu tàu trong việc nâng cao chất lượng hệ thống Nhà VHLĐ quận - huyện. Hằng năm, Cung VHLĐ TP đều tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm kỹ năng hoạt động, tổ chức và mời những nhà chuyên môn về tập huấn để bổ trợ kiến thức cho cán bộ Nhà VHLĐ quận - huyện.
Ông Lê Hồng Triều, Giám đốc Cung VHLĐ TP HCM, cho biết điều ông trăn trở nhất là làm sao để CN được hưởng thụ giá trị văn hóa, tinh thần trong điều kiện vật chất còn khó khăn. “Có lần chúng tôi liên kết với một đơn vị taxi để đưa đón CN đến tham dự chương trình. Nhiều CN không dám lên taxi vì sợ phải trả tiền. Thế nhưng, khi biết được miễn phí thì họ rất phấn khởi. Tôi nhớ như in chuyện này bởi điều đó cho thấy nhu cầu hưởng văn hóa của CN rất lớn. Họ cần sân chơi nhưng không có điều kiện và nhiệm vụ của chúng tôi là đưa sân chơi đến với họ” - ông Triều bày tỏ.
Bình luận (0)