Tại phiên họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội về Đề án cải cách Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) một lần nữa đưa ra đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, cả 2 phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đều thực hiện theo lộ trình, không gây sốc cho xã hội. Phương án 1: Tăng tuổi hưu 62 đối với nam và 60 đối với nữ; phương án 2: Tăng tuổi hưu nam 65, nữ 60 nhưng tất cả phương án đều có lộ trình. Phương án 1, tăng mỗi năm 3 tháng; phương án 2, tăng mỗi năm 4 tháng.
Chưa có căn cứ nói vỡ Quỹ BHXH
Lý giải cho đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, quy định về tuổi hưu hiện nay áp dụng từ năm 1961. Trong khi đó, với tốc độ già hóa dân số hiện hành, tuổi thọ và sức khỏe người dân tăng, Quỹ BHXH nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, việc tăng tuổi nghỉ hưu là yêu cầu cấp thiết.
Muốn bảo đảm bền vững tài chính của quỹ, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, chỉ có 2 cách: Nâng mức đóng của người lao động (NLĐ)) và doanh nghiệp (DN) hoặc giảm mức hưởng lương hưu của NLĐ. Nâng mức đóng là khó vì tăng gánh nặng tài chính của NLĐ và làm giảm sức cạnh tranh của DN. Giảm mức hưởng cũng dẫn đến khó bảo đảm cuộc sống của người hưởng lương hưu.
Trong một nghiên cứu công bố mới đây, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng đưa ra tính toán, nếu Việt Nam không sớm thực hiện cải cách, quỹ hưu trí sẽ mất cân đối nghiêm trọng trong năm 2034. Thậm chí có người còn cho rằng, tới năm 2034, Việt Nam có nguy cơ vỡ Quỹ BHXH. Khi đó, cả lao động nam và nữ sẽ không nhận được bất kỳ đồng lương nào sau khi nghỉ hưu, nếu Chính phủ không dùng khoản lớn ngân sách để bù đắp.
Quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu là không phù hợp với người lao động làm việc trong các ngành nghề lao động chân tay
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhận định về nguy cơ vỡ Quỹ BHXH là chưa có căn cứ. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, Luật BHXH 2014 đã có nhiều thay đổi để tránh nguy cơ mất cân đối quỹ, như: mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nâng chế độ ưu đãi khi tham gia BHXH tự nguyện để mở rộng các diện bao phủ. Cùng với đó, từ ngày 1-1-2018, việc điều chỉnh tỉ lệ giảm trừ quyền lợi khi NLĐ nghỉ hưu trước tuổi, tăng thời gian đóng góp để được hưởng mức lương hưu tối đa 75% của lao động nam và nữ cũng để khắc phục dự báo mất cân đối quỹ hưu trí, tử tuất trong dài hạn".
Muốn nghỉ hưu ở tuổi 50 thì sao?
Đây đã là lần thứ tư Bộ LĐ-TB-XH đề xuất phương án tăng tuổi hưu. Theo Bộ LĐ-TB&XH, quy định tuổi nghỉ hưu của hiện hành đã tồn tại gần 60 năm. Trong khi đó, nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số. Như vậy, tương lai lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt. Nâng tuổi nghỉ hưu là cách để chuẩn bị cho tương lai sau này của lực lượng lao động. Nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 hoặc 67 để ứng phó với xu hướng già hóa dân số và thiếu hụt lao động. Vì thế, việc tăng tuổi nghỉ hưu ở nước ta cũng nên theo xu hướng này.
Trái ngược với quan điểm của Bộ LĐ-TB-XH, có nhiều ý kiến khác không đồng tình với tăng tuổi nghỉ hưu. NLĐ muốn được nghỉ hưu ở độ tuổi theo quy định hiện nay. Theo ông Lê Đình Quảng, để đạt tuổi hưu như quy định hiện hành đã là khó. Thực tế, hiện tuổi nghỉ hưu bình quân của Việt Nam là 54,2 tuổi (đa số nghỉ hưu trước tuổi).
Thông tin về việc tăng tuổi nghỉ hưu nhận được sự quan tâm của đông NLĐ, đặc biệt là công nhân trực tiếp sản xuất. Anh Hà Văn Minh (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) chia sẻ: "Tôi không biết Bộ LĐ-TB-XH đã tiến hành khảo sát về độ tuổi lao động ở các DN hiện nay chưa. Trong khi rất nhiều DN sa thải lao động nữ ở tuổi 35 để tuyển dụng lao động trẻ. Những lao động nữ qua tuổi 40 đều rất khó xin việc. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thêm nữa, chúng tôi chỉ có thể làm những công việc tự do, không thể tiếp tục đóng BHXH để hưởng lương hưu".
Không chỉ phản đối đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, chị Nguyễn Thị Dung (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) cho hay: "Tôi còn muốn nghỉ hưu ở tuổi 50. Với thực tế đã làm việc gần 20 năm, tôi thấy rằng rất nhiều công nhân đã không còn đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu của công việc từ tuổi 45. Nếu tăng tuổi hưu, tôi nghĩ rằng nhiều lao động sẽ chọn nghỉ việc và lĩnh BHXH một lần thay vì chờ đủ tuổi về hưu".
Cần nghiên cứu cẩn trọng
Theo bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội còn nhiều điểm bất hợp lý trong quy định tuổi hưu hiện nay. Việc tăng tuổi nghỉ hưu phải tính toán trên cơ sở điều kiện sức khỏe, giới tính, ngành nghề, lĩnh vực. Những lao động trong khu vực sản xuất trực tiếp thì nên tính toán tuổi hưu sao cho hợp lý vì điều kiện sức khỏe, môi trường và cường độ làm việc.
Cùng quan điểm, ông Lê Đình Quảng cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề phức tạp, tác động đến nhiều yếu tố, vì vậy cần phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đánh giá tác động cả những yếu tố kinh tế xã hội một cách khoa học, chính xác. Quan điểm của Tổng LĐLĐ Việ̣t Nam cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu là không phù hợp với NLĐ làm việc trong các ngành nghề lao động chân tay. Thực tế, hiện nay rất nhiều lao động nữ đang làm việc trong các ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử… bị người sử dụng lao động cho nghỉ việc ở tuổi 30-35 với lý do sức khỏe không đáp ứng yêu cầu sản xuất… Kéo dài tuổi nghỉ hưu còn ảnh hưởng đến công tác quy hoạch cán bộ, công chức cũng như các chính sách liên quan đến cán bộ công chức của nước ta.
Từ những phân tích trên, ông Lê Đình Quảng không đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân khu vực trực tiếp sản xuất, dịch vụ. Đối với khu vực hành chính sự nghiệp thì có thể xem xét để nâng tuổi nghỉ hưu nhưng phải có lộ trình tăng thích hợp để giảm thiểu ảnh hưởng đến cơ hội có việc làm cho nhóm lao động trẻ và đảm bảo ổn định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đối với cán bộ quản lý hoặc những người có học hàm, học vị có thể được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng phải thôi làm quản lý.
Bình luận (0)