Bài 2: Công ty bột mì bình đông - TP Hồ Chí Minh
Những giải pháp hai bên đều chấp nhận
Ông Hồ Phi Nhàn, Giám đốc Công ty Bột mì Bình Đông (BMBĐ), đã nói như vậy tại đại hội CNVC bất thường tổ chức vào ngày 4-12-2001. Sau nhiều năm ăn nên làm ra, là một trong những doanh nghiệp (DN) hàng đầu của Tổng Công ty Lương thực Trung ương II (Vinafood II), nay Công ty BMBĐ đứng trước những thách thức nghiệt ngã của thương trường, buộc phải sắp xếp sản xuất và tổ chức lao động để trụ lại.
Làm ăn ngày càng khó khăn
Hơn 10 năm qua, BMBĐ cũng đã nhiều lần sắp xếp lại tổ chức- lao động. Từ hơn 1.000 lao động, giảm dần còn 750, 500, có lúc xuống đến 276 lao động. Sau đó lại bung ra, tăng lên hơn 400 lao động. Giai đoạn trước năm 2000 là thời hoàng kim của công ty. Do Nhà nước hạn chế nhập khẩu bột mì nên BMBĐ gần như “một mình một chợ”, hàng còn nằm trên dây chuyền đã được khách đặt, chờ, có năm lợi nhuận đến trên 50 tỉ đồng. Nên thời điểm đó, BMBĐ hào phóng tiếp nhận trở lại cả những công nhân (CN) đã nghỉ theo diện 176 trước đó và nhận thêm hàng trăm lao động bên ngoài. Theo ông Hồ Phi Nhàn, trên sự thuận lợi nhiều năm đó đã tạo ra sự chủ quan, cứ dàn đều sản xuất, không chú trọng tái đầu tư, chi phí lớn, năng suất thấp.
Từ năm 2000 trở đi, BMBĐ bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn khi có đến 13 doanh nghiệp cùng tham gia kinh doanh bột mì. Thị phần thu hẹp, cạnh tranh gay gắt, lại thêm đơn giá tiền lương được giao tụt giảm đáng kể nên việc thực hiện các chỉ tiêu doanh thu, sản lượng, thu nhập đều bị ảnh hưởng.
Công khai dân chủ, đãi ngộ người lao động
Ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch CĐ Công ty BMBĐ, nói vấn đề sắp xếp lại sản xuất, lao động đã được tính toán, bàn bạc nhiều lần và công ty đã làm đúng theo quy định của thỏa ước lao động tập thể (năm 2001 duy trì việc làm cho tập thể lao động, thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người/tháng). Trong nhiều giải pháp để không giảm bớt lao động, BMBĐ chọn cách mở thêm ngành nghề kinh doanh (xây dựng cây xăng, lập xưởng chế biến thực phẩm) song chỉ hoàn tất xây dựng cây xăng, còn những dự án khác chưa được cấp trên chấp thuận, buộc lòng công ty phải cắt giảm lao động. Tại đại hội CNVC bất thường, phương án sắp xếp lại sản xuất được trình bày chi tiết, lấy biểu quyết của tập thể. Theo đó, trong năm 2002 công ty sẽ giảm trên 100 lao động. Các chế độ ưu đãi cho người lao động (NLĐ) trong đợt này được đặt ra công khai để NLĐ cân nhắc, vận dụng, chọn cho mình cách nào có lợi nhất. Ngoài quy định của pháp luật lao động về trợ cấp mất việc và quyền lợi bảo hiểm xã hội, những NLĐ diện hợp đồng không xác định thời hạn tự nguyện làm đơn nghỉ trước 15-1-2002 được công ty trợ cấp thêm 5 triệu đồng/người; những NLĐ trong diện 176 trước đây được công ty tiếp nhận lại thì được trợ cấp thêm 2 triệu đồng/người. Những NLĐ lớn tuổi nhưng chưa đủ tuổi hưu được công ty xếp vào diện “hưu chờ”, trong thời gian chờ hưu được hưởng lương cơ bản (tối đa là 5 năm), cứ mỗi năm nghỉ sớm trước tuổi hưu được công ty trợ cấp 1 triệu đồng. Ông Huỳnh Công Mẫn, Phó Phòng Tổ chức- hành chánh công ty, đã đưa ra bài toán cụ thể để tham khảo, giải đáp thỏa đáng các thắc mắc của NLĐ.
Không có sự lựa chọn nào tối ưu hơn
Với sự công khai trên, mỗi NLĐ đều có thể biết được mức trợ cấp mình sẽ được nhận nếu nghỉ việc hoặc chờ hưu. Nhiều ý kiến tại đại hội xác nhận đây là chủ trương tiến bộ, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo công ty. Hơn nữa, đây không chỉ là giải pháp để tồn tại tự thân của riêng BMBĐ mà còn là chủ trương chung của Đảng và Nhà nước. Hiện Vinafood II cũng đang tiến hành sắp xếp lại, dự kiến từ hơn 33 chỉ còn 13 DN thành viên, lực lượng lao động cũng sẽ tinh giản đáng kể. Nên với tập thể lao động Công ty BMBĐ, đó là những giải pháp được chấp nhận với sự thông hiểu trong khi không có sự lựa chọn nào tối ưu hơn.
Kỳ tới: Công ty Dệt Sài Gòn: Người đi hay ở đều thấy thỏa đáng
Bình luận (0)