Tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự án Luật BHXH (sửa đổi) do Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tổ chức ở TP HCM mới đây, ông Andre Gama, chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, cho rằng phần đông người lao động (NLĐ) rút BHXH một lần là vì nhu cầu cấp thiết. Do vậy, nếu đột ngột thay đổi quy định theo hướng hạn chế rút BHXH một lần có thể dẫn đến tình trạng NLĐ ồ ạt rút một lần. "Việc điều chỉnh chính sách rút BHXH một lần cần thực hiện từng bước, theo hướng giảm dần số tiền NLĐ được hưởng. Bên cạnh đó, cần cải thiện mức lương hưu, tăng cường các chế độ trợ cấp ngắn hạn để hỗ trợ NLĐ lúc khó khăn nhằm giảm nhu cầu rút BHXH một lần"- ông Andre Gama bày tỏ.
Trong khi đó, nhiều cán bộ Công đoàn đề xuất để tránh gây sốc cho NLĐ khi thay đổi chính sách, cần giữ nguyên quy định về rút BHXH một lần như hiện nay đối với nhóm NLĐ tham gia BHXH trước khi luật mới được ban hành. Với người tham gia BHXH sau khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, có thể cho phép họ rút phần đã đóng hoặc 50% số tiền đóng của NLĐ và đơn vị sử dụng lao động; số tiền còn lại sẽ cộng dồn vào thời gian tham gia sau đó của NLĐ để họ được hưởng chế độ hưu trí khi đủ điều kiện.
Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc đã thẳng thắn chỉ ra một số bất cập của Luật BHXH hiện hành và đề nghị Ban soạn thảo luật cần nghiên cứu, bổ sung thêm để giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh. Bạn đọc Thanh Tâm dẫn chứng: Theo Viện Công nhân và Công đoàn thì độ tuổi bình quân của NLĐ tại doanh nghiệp năm 2018 là 31.2, giảm 4.1 tuổi so với 2016, vậy lý do gì để BHXH đề nghị tăng tuổi hưu lên. Do đó, tôi cho rằng việc rút BHXH 1 lần không phụ thuộc việc tăng hay giảm thời gian đóng 15-20 năm mà chủ yếu nằm ở độ tuổi hiện tại của NLĐ. Một NLĐ bị sa thải ở độ tuổi 40 thì sẽ sống bằng gì trong 20-23 năm tiếp theo nếu họ không rút BHXH. Nếu nói những người không có lương hưu là gánh nặng thì BHXH cần công khai bao nhiêu người không đóng BHXH đang được lãnh lương từ quỹ BHXH tôi cho rằng không có ai cả bởi có đóng thì có lãnh".
Theo bạn đọc Mỹ Bình, bất kỳ ai cũng không muốn thất nghiệp để rút BHXH 1 lần. Nhưng làm công ty ngoài nhà nước thì họ muốn sa thải người lớn tuổi, nhận người trẻ nên người lao động mới rút BHXH một lần. Ai cũng muốn về già có lương hưu nhưng chế độ cần hấp dẫn để người lao động ở lại với hệ thống BHXH". Còn bạn đọc Đình Nguyên, phân tích: "Người sử dụng lao động thường đóng BHXH cho người lao động ở mức lương thấp nhất để giảm bớt số tiền đóng góp cho ngành BHXH, nên khi nghỉ hưu lương hưu quá thấp đấy cũng là một trong những lý do NLĐ rút BHXH một lần".
Cùng góc nhìn, bạn đọc Hoàng Long ấm ức: "Đơn giản là cách tính bảo hiểm bây giờ công nhân họ chẳng thấy có gì hấp dẫn, họ rút một lần là phải rồi. Thời gian đóng thì dài, tuổi hưởng lương hưu thì cao nên công nhân họ chẳng hứng thú đợi, họ rút một lần". Bạn đọc Hoa nhận xét: "Nói túm lại là BHXH cứ loanh quanh không tìm ra hướng giải quyết phù hợp cho người lao động, thì việc rút bảo hiểm một lần không bao giờ giải quyết được. Tôi 47 tuổi, đóng được 25 năm, giờ sức khỏe không đảm bảo làm ca đêm, công ty cho nghỉ, còn 13 năm nữa mới được lãnh lương hưu.....". Tương tự, bạn đọc Nguyễn Hùng góp ý: "Thực ra BHXH cứ loay hoay tìm giải pháp có lợi cho mình mà chưa nghĩ đến lợi ích của người đóng bảo hiểm nên mới vậy. Quan trọng vẫn là tuổi nghỉ hưu, người lao động muốn đóng đủ số năm quy định thì được nghỉ hưu chứ không cần hạ số năm đóng bảo hiểm. Đóng đủ hưởng sớm thì chẳng ai muốn rút.
Bạn đọc tên Hồng nêu ví dụ: "Mình đóng BHXH được hơn 20 năm mà cứ nghĩ chờ đến 60 thì rất lâu năm nay mình mới 45 vì vậy rút 1 lần thôi không chờ được. Theo tôi thì nhà nước nên để tuổi như cũ". Tương tự, một bạn đọc tên Hoa đề xuất: "Nên để nguyên tuổi hưu như luật cũ và giảm năm đóng bảo hiểm xuống nhưng tăng % đóng bảo hiểm lên. Chứ bắt NLĐ chờ đến 60 và 62 tuổi thì quá lâu".
Bình luận (0)