Trao đổi với phóng viên, bà Joanna Wood, Tham tán Giáo dục và Khoa học Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, khẳng định Úc coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề. Quan hệ thương mại và nhiều lĩnh vực khác giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, việc Việt Nam có những nhân công lao động tay nghề cao sẽ giúp cho hợp tác thương mại và những lĩnh vực khác giữa hai nước.
Bà Joanna Wood, Tham tán Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, trao đổi với phóng viên
Úc đang rất cần những lao động có tay nghề trong các lĩnh vực như làm đẹp, nông nghiệp, nhà hàng... Úc là một đất nước nhập cư, luôn luôn chào đón những kỹ năng lao động mà nước Úc còn thiếu.
Theo bà Joanna Wood, để nhập cư vào Úc, lao động cần đảm bảo 3 điểm chính yếu: Phải có bằng cấp được nước Úc công nhận; có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực, kỹ năng mà Úc đang thiếu (kinh nghiệm ít nhất 5 năm công tác tại Việt Nam hoặc Úc); có doanh nghiệp (DN) thuê lao động thực hiện kỹ năng đó. "Hiện trên trang web Home Affairs của Bộ Nội vụ Úc có danh sách những kỹ năng Úc cần và được cập nhật theo từng năm"- bà Joanna Wood cho biết.
Hiện nay có 25 trường của Việt Nam đang tiến hành đào tạo 25 bằng cấp trong 12 ngành nghề liên kết với Úc theo chương trình đào tạo tại Việt Nam. Các sinh viên học trường của Úc tại Việt Nam sẽ có bằng của Úc, đã đáp ứng yêu cầu đầu tiên trong 3 yêu cầu trên.
"Cần tập trung để lao động Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu các kỹ năng của thị trường lao động quốc tế"- bà nói.
Chia sẻ về những điểm hạn chế của lao động Việt Nam hiện nay, tham tán Đại sứ quán Úc cho rằng như nhiều nước đang phát triển khác, thị trường lao động Việt Nam có nhược điểm là không chính thống. Rất nhiều lao động làm việc mà không có hợp đồng chính thức được ký với công ty. Việt Nam cần đưa ra các chính sách để chính thống hóa thị trường lao động hiện nay. Để làm được việc này, về phía giáo dục đào tạo, cần đưa ra khung trình độ cho từng ngành nghề ở từng vị trí công việc cần. Khi trình độ được công nhận và áp dụng ở tất cả các địa phương của Việt Nam, chất lượng đào tạo được đồng nhất, lao động sẽ dễ tìm việc ở nhiều nơi và DN khi tuyển dụng sẽ dễ tìm được lao động đáp ứng yêu cầu.
90% lao động được đào tạo nghề bán thời gian
Úc có hệ thống giáo dục dạy nghề rất phát triển dựa trên tiêu chuẩn năng lực. Điểm mạnh là kết nối đào tạo nghề với DN. 4,5 triệu người được đào tạo nghề chính thống, chiếm 1/4 lao động ở Úc. Có những cuộc thi nghề, đại sứ nghề để quảng bá sự phát triển của nghề đó. 90% lao động được đào tạo nghề ở Úc không phải học toàn thời gian mà bán thời gian, vừa học vừa làm, đào tạo nghề rất linh hoạt.
Tháng 3-2018, Việt Nam và Úc đã ký biên bản ghi nhớ trong hợp tác giáo dục và đào tạo nghề. Trong đó, tập trung 4 lĩnh vực chính: Hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện trong xây dựng chính sách và hệ thống đào tạo nghề; đào tạo giáo viên, nâng cao chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo nghề và xây dựng giáo trình; thúc đẩy hợp tác cấp trường giữa các trường dạy nghề của hai nước; trao đổi sinh viên và giáo viên trong lĩnh vực.
Bà Joanna Wood cho biết hiện hai bên đang triển khai cụ thể hóa kế hoạch hành động này. Phía Úc cho rằng trước tiên cần nâng cao vị thế của giáo dục dạy nghề, cho thấy đây là con đường sự nghiệp đáng mơ ước. Hai bên cũng đang làm việc để thành lập cơ quan kết nối giữa nhà trường và DN, đưa ra những tiêu chuẩn để đảm bảo đào tạo đáp ứng được nhu cầu của DN.
Bình luận (0)