Dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, kéo theo đó là những hệ lụy đối với việc làm và đời sống của nhiều người lao động (NLĐ). Dù địa phương còn nghèo, ngân sách hạn chế nhưng việc giải quyết, chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19 luôn được tỉnh Quảng Bình ưu tiên.
Kịp thời, đúng đối tượng
Mới đây, khi nhận 3,3 triệu đồng hỗ trợ từ Quỹ BHTN, chị Bùi Thị Bích là công nhân (CN) Trung tâm Công viên Cây xanh Đồng Hới, rất phấn khởi. Chồng đang thất nghiệp trong khi phải nuôi 3 con nhỏ khiến cuộc sống gia đình chị hết sức khó khăn. "Số tiền này là nguồn động viên lớn, giúp gia đình tôi vơi bớt khó khăn trước mắt, có thêm chi phí lo bữa cơm cho gia đình" - chị Bích phấn khởi. Chị Bích tham gia BHTN hơn 11 năm nên nhận được mức hỗ trợ cao nhất (theo Nghị quyết 68/NQ-CP) là 3,3 triệu đồng.
Cán bộ phường Hải Thành, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình (bìa phải) xuống tận từng hộ gia đình trao tiền hỗ trợ cho người dân
Tương tự là hoàn cảnh chị Võ Thị Vui - nhân viên khách sạn Tân Bình, TP Đồng Hới. Dịch Covid-19 khiến nhiều tháng qua gia đình chị sống trong cảnh thiếu trước hụt sau. Nhà có 3 lao động chính thì toàn bộ phải nghỉ việc, không có nguồn thu nhập nào. Do vậy, khi nghe có sự hỗ trợ từ Quỹ BHTN, chị quá đỗi vui mừng. "Tháng 10-2021, chỉ sau 3 ngày nộp hồ sơ thì tôi nhận được 2,1 triệu đồng từ Quỹ HBTN qua tin nhắn từ BHXH tỉnh Quảng Bình. Khoản tiền này tuy không lớn nhưng đúng thời điểm đã giúp tôi và gia đình giải quyết bao nhiêu khó khăn trước mắt" - chị Vui tâm sự.
Trong khi đó, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Huyền và anh Phạm Quốc Thắng ở thôn Diêm Sơn (xã Đức Ninh, TP Đồng Hới) là 2 lao động tự do. Không thể đi làm do quy định về giãn cách xã hội nên họ không có thu nhập, cuộc sống gia đình chị như rơi vào ngõ cụt. Cách đây hơn 1 tháng, gia đình chị bất ngờ được cán bộ xã Đức Ninh đến tận nhà trao hỗ trợ 3 triệu đồng. Đây là chính sách hỗ trợ của tỉnh dành cho lao động tự do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Công khai, minh bạch
Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Bố Trạch, cho biết đến nay, huyện đã hoàn thành 3 đợt hỗ trợ lao động tự do, lao động có hợp đồng và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với 6.668 người, số tiền gần 10,8 tỉ đồng. Huyện đang tiếp nhận hồ sơ các nhóm đối tượng để thẩm định, trình phê duyệt hỗ trợ đợt tiếp theo, nhằm giúp NLĐ vơi bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình, đến thời điểm này, tỉnh đã chi cho 65.577 người được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 với tổng kinh phí hơn 68,5 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ bằng tiền cho 28.362 người với hơn 50,8 tỉ đồng; hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 35.677 người với 12,1 tỉ đồng; cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất 1.538 người với gần 5,6 tỉ đồng. Còn theo Nghị quyết 116, tỉnh đã hỗ trợ 84.509 NLĐ với tổng số tiền trên 134 tỉ đồng.
Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình, cho biết địa phương có thế mạnh về du lịch, kinh tế cũng phụ thuộc vào ngành công nghiệp không khói này. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch khiến ngành du lịch không thể hoạt động, hơn 15.000 lao động bị ảnh hưởng, nhiều người mất việc làm và phải chuyển đổi nghề nghiệp. "Dù khó khăn đến mấy nhưng tỉnh vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho NLĐ. Tất cả những chính sách đều triển khai theo quy định của Nghị quyết 68, theo đó, trung ương sẽ hỗ trợ 60%, tỉnh 40%. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh cũng đã hỗ trợ cho gần 22.000 con em Quảng Bình đang sinh sống tại TP HCM và các tỉnh miền Nam gặp khó khăn trong giai đoạn dịch; mỗi người nhận 1 triệu đồng" - bà Lan thông tin.
Trong khi đó, ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình, cho biết trong suốt 2 tháng vừa qua, không quản ngày đêm, kể cả ngày nghỉ, các cán bộ, viên chức, NLĐ trong toàn ngành ai cũng khẩn trương, bảo đảm chuyển tiếp hồ sơ nhanh nhất có thể nhằm giúp NLĐ sớm thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Quỹ BHTN. Theo ông Tùng, dù số lượng NLĐ ở Quảng Bình nghỉ việc tăng nhưng số người tham gia BHXH vẫn đạt chỉ tiêu kế hoạch. Dự tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 97.000 NLĐ tham gia BHXH. Trong đó, 69.000 lao động tham gia BHXH bắt buộc và 28.000 lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Bình luận (0)