Trong Dự thảo đề cương sửa Luật BHXH lần này, cơ quan soạn thảo đưa ra phương án người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng BHXH một lần thì chỉ được rút phần mình đóng vào Quỹ BHXH là 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay. Còn phần của người sử dụng lao động đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ.
Lý giải cho đề xuất chỉ cho người lao động rút 8% BHXH một lần, một lãnh đạo chuyên gia cho biết đây là thông lệ quốc tế vì bảo hiểm các nước không cho phép rút BHXH một lần nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân khi hết tuổi lao động. Bên cạnh đó, phần chủ sử dụng lao động đóng vào quỹ được kết cấu vào giá thành sản phẩm và dịch vụ. Do vậy, khi được xã hội tiêu thụ sản phẩm dịch vụ đó nghĩa là xã hội đóng phần này và chủ sử dụng lao động chỉ là người đóng thay. Như vậy, phần chủ sử dụng đóng thay sẽ tạm giữ lại đến khi người lao động hết tuổi lao động thì sẽ được hưởng.
22% là mồ hôi, nước mắt công sức bao năm của người lao động .
Xung quanh đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có vệt bài "Đề xuất chỉ được rút 8% BHXH một lần" và nhận được phản hồi tích cực từ độc giả. Một bạn đọc tên Hải bức xúc: "Con đi học không có tiền đóng học phí, nhà trường réo liên hồi, ai đâu có dư mà để dành. Nếu phải rút 8% thì tui cho tụi nó nghỉ học hết, ai lo học cho con tôi đi học chưa ? Dân thì nghèo, thất nghiệp tràn lan mà kêu gọi dân để dành. Lo cái bụng trước mắt không lo!". Bạn đọc Võ Văn Hùng cũng cho rằng đây là một đề xuất ngớ ngẩn. Theo bạn đọc này, làn sóng rút BHXH một lần sẽ ồ ạt diễn ra trước khi dự thảo được đem ra bàn bạc chứ đừng nói đợi đến thi hành. Tương tự, bạn đọc Lê Hồng Tuấn cũng cho rằng đề xuất này không hợp lý, làm nản lòng người lao động tham gia BHXH. Bạn đọc Hà Thanh Bình phân tích: "14% đó cũng từ lao động mà ra, nếu không đóng bảo hiểm thì doanh nghiệp cũng trả cho người lao động mà thôi. Nếu áp dụng thà tôi không hợp đồng lao động còn sướng hơn".
Theo bạn đọc Tô Văn Đấu, người làm chính sách nên thấu hiểu người dân, và đặt họ vào người được áp dụng. Nên xem xét thực trạng, lấy người lao động làm trọng tâm để suy xét và đề xuất. Bạn đọc Lý Thành Tây thì đặt câu hỏi: "14% đó theo nguyên tắc sẻ chia, vậy sẻ chia cho ai và tại sao phải chia? Trong khi người lao động đang khổ, bảo hiểm không chia sẻ khó khăn mà bắt những người đang khó khăn chia sẻ là chia sẻ cái gì. Một bạn đọc giấu tên góp ý: "Nên làm cuộc khảo sát toàn bộ người lao động có mã BHXH để nhận được sự đồng thuận của người lao động. Sửa luật BHXH mà không nhận được sự đồng thuận của người lao động thì nên xem lại luật này có phải áp dụng cho chủ thể là người lao động?". Tương tự, bạn đọc Nguyễn Thị Hoa, bày tỏ ngạc nhiên: "Tôi không biết ai là người đưa ra sáng kiến và dự thảo này. Không biết họ có suy nghĩ cho người lao động trước chưa mà đưa ra dự thảo như vậy?". Một bạn đọc tên Vinh ấm ức: "Tiền của người lao động mà mấy bác quản giống tiền của mấy bác cho họ vậy!? Làm thế tôi nghĩ tác dụng ngược càng lớn thay vì nên nghiên cứu sao cho người lao động không thấy bị thiệt thòi khi tham gia BHXH".
Theo nhiều bạn đọc, một chính sách ra đời phải hài hòa quyền và lợi ích chính đáng giữa người lao động, cơ quan, doanh nghiệp và Nhà nước
Một bạn đọc giấu tên viết: "Không biết nghĩ thế nào mà cắt, giảm quyền lợi của người lao động. Tuổi hưu thì tăng. 62 tuổi thì về hưu mấy năm đã ngủm. Giờ lại chỉ cho rút 8%". Theo một bạn đọc tên Chu, cơ quan soạn thảo không thể dùng câu thông lệ quốc tế khi đề xuất phương án này. "Chúng ta đang ở Việt Nam. Chúng ta có luật pháp Việt Nam, chúng ta là người Việt Nam, nền kinh tế xã hội Việt Nam khác với quốc tế" – bạn đọc này quả quyết.
Với bạn đọc Lương Văn Đường, chính sách ban hành ra phải phù hợp với thực tiễn xã hội Việt Nam, đừng đưa đi so sánh với các nước khác, rồi lại cào bằng "theo thông lệ quốc tế", mỗi quốc gia, dân tộc đều có những đặc điểm riêng. Chế độ chính trị, nền kinh tế xã hội, thu nhập của người lao động...rất khác với các nước khác. Một chính sách ra đời phải hài hòa quyền và lợi ích chính đáng giữa người lao động, cơ quan, doanh nghiệp và Nhà nước. Một bạn đọc tên Phương nói: "Làm cái gì cần phải có tâm có tầm thì mới hợp lòng dân. Thử hỏi các nhà làm luật có đặt mình hoàn cảnh của người lao động chưa? Hay chỉ nói trên lý thuyết? Tóm lại nếu làm cái gì hợp lòng dân thì sẽ được ủng hộ. Xin hãy đặt mình vào vị trí của người lao động trước khi đưa ra luật BHXH bổ sung trình Quốc hội.
Cứ xuống nhà trọ công nhân thì rõ
Bạn đọc Công Nguyên bức xúc: "Soạn thảo gì mà cứ gây khó khăn thiệt thòi cho người lao động mãi thế? Sao không thấy nói đến chính sách giữ việc cho người lao động đến tuổi nghỉ hưu ? Biết bao con người đang mất việc đang khó khăn, các bác xuống xem các dãy nhà trọ công nhân thì rõ. Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Thị Thạnh gay gắt: "Nên dừng việc tham mưu, đề xuất chủ trương người lao động khi nghỉ việc chỉ được rút 8% trên tổng 22% tiền BHXH. Như vậy là vi phạm quyền tự do của công nhân và người lao động đấy. 22% là mồ hôi, nước mắt công sức bao năm của người lao động .
Bình luận (0)