Mới đây, trong nội dung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia bảo hiểm xã hội, và đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội bằng 1 tháng tiền lương bình quân tính đóng bảo hiểm xã hội. Xung quanh đề xuất này, Báo Người lao động tiếp tục nhận được nhiều ý của độc giả góp ý về vấn đề này.
Bạn đọc Nguyễn Dương đặt câu hỏi: "Người lao động được hưởng 50% theo chế độ hưởng hiện hành vậy còn 50% ai sẽ hưởng? Mà tiền đó chính những người lao động cụ thể tham gia đóng góp trong quá trình lao động mà có". Cùng suy nghĩ, bạn đọc tên Trà bày tỏ: Tiền để dành của người lao động, khi họ cần thì rút, sao lại phải mất 50%. Một bạn đọc khá hài hước khi ví von: Nuôi con heo 20 năm. Sau 20 năm mổ heo ra, phải nộp lại một nửa cho người sản xuất ra con heo!
Lý giải tình trạng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần, bạn đọc tên Trung cho rằng do chính sách lương hưu không hấp dẫn. "Khi mà nhận lương hưu hàng tháng không đủ chi trả cho cuộc sống, tuổi về hưu chi phí khám chữa bệnh đã chiếm phần lớn lương hưu rồi, đời sống chật vật thì làm sao thu hút người lao đông tham gia?" – bạn đọc này bày tỏ. Bạn đọc Thùy Phương góp ý: "Lương của người lao động đã thấp, mỗi tháng trích ra 10.5% cũng đã là khó khăn rồi. Nhưng họ xem đó là một khoản tiền để dành phòng khi họ nghỉ việc. Có bao nhiêu người lao động muốn tham gia bảo hiểm xã hội để về già được nhận lương hưu Vậy mà tiền đóng vào thì dễ nhưng khi muốn rút ra thì giống như đi xin vậy. Mong các nhà làm luật hiểu được nổi khổ của người lao động".
Theo bạn đọc tên Sơn, những quyết sách ảnh hưởng trực tiếp đời sống xã hội nên trưng cầu ý kiến toàn dân. Những vấn đề xã hôi cần giải quyết phải nghiên cứu kỹ về luật, tác động xã hôi, xét duyệt các cấp trước khi ban hành, tránh việc ban hành rồi gây hoang mang xã hội sau đó thu hồi. Theo bạn đọc Phạm Long, tiền bảo hiểm xã hội giống như là tiền của người lao động gửi vào một ngân hàng chờ cất giúp. Nay khó khăn về kinh tế dịch giã hoành hành, người công nhân thất nghiệp không có cơm ăn, không đủ tiền đóng trọ thì họ rút cũng giống như rút khoản gửi. Vậy sao lại đề xuất không cho rút hết
Bạn đọc Bùi Anh quả quyết: "Lương hưu mà đủ sống thì chắc không ai rút bảo hiểm. Nếu để tôi tự nguyện đóng bảo hiểm chắc chắc là tôi không đóng". Một bạn đọc tên Minh cho rằng không phải người lao động nào cũng đủ điều kiện và thời gian để chờ đến lúc đủ thời gian lãnh lương hưu. Người lao động là người chịu thiệt nhiều nhất, lương lên được một thì giá cả thì trường lên. Ra đề xuất này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có đặt trường hợp của mình vào cuộc sống người lao động chưa? Người lao động phải lo ăn từng bữa, lo tiền nhà trọ, lo đủ thứ khi vật giá ngày càng tăng. Tại sao ngay cả quyền lợi của chính người lao động mà người lao động cũng không được tự quyết định mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải quyết định dùm"- bạn đọc này đặt câu hỏi.
Bình luận (0)