Trong đó đề xuất nhiều chính sách mới về tinh giản biên chế.
Bộ Nội vụ cho biết, việc thực hiện các quy định của Nghị định nói trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, không đáp ứng được yêu cầu công việc, không thể bố trí sắp xếp công tác khác trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời đã phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc thực hiện tinh giản biên chế.
Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020) nên một số quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP không còn phù hợp.
Về đối tượng tinh giản biên chế là cán bộ, công chức qua phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP) không còn phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 vì theo Luật này thì không còn quy định xếp loại chất lượng cán bộ, công chức theo mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực .
Về tuổi thực hiện chính sách về hưu trước tuổi và tuổi tính trợ cấp hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại Điều 8 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6, khoản 7 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP); tuổi thực hiện chính sách thôi việc ngay; tuổi không được thực hiện chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước đều căn cứ vào quy định về tuổi nghỉ hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 Luật BHXH. Tuy nhiên Bộ luật Lao động năm 2019 đã sửa đổi, bổ sung Điều 54 Luật BHXH năm 2014 (tuổi nghỉ hưu đối với nam tối đa là 62 tuổi, tuổi nghỉ hưu đối với nữ tối đa là 60 tuổi), nên các quy định nêu trên không còn phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.
Do đó, kế thừa quy định còn phù hợp tại 2 Nghị định nêu trên dự thảo Nghị định chỉ sửa đổi đối với đối tượng tinh giản biên chế là cán bộ, công chức thông qua việc đánh giá, phân loại hằng năm được xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực để bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, nên đã sửa đổi điểm d, đ khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP như sau:
- Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khác.
- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức có 1 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác.
Về chính sách tinh giản biên chế, kế thừa quy định còn phù hợp tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP, dự thảo Nghị định chỉ sửa đổi đối với quy định liên quan đến tuổi để thực hiện chính sách về hưu trước tuổi và tuổi tính trợ cấp hưởng chính sách về hưu trước tuổi; tuổi thực hiện chính sách thôi việc ngay; tuổi không được thực hiện chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 169 và Điều 219 của Bộ Luật Lao động năm 2019.
Bình luận (0)