"Ở những nước tiên tiến trên thế giới, người lao động (NLĐ) mỗi tuần chỉ làm 4-5 ngày, không phải tăng ca, còn công nhân Việt Nam mỗi tuần làm 6-7 ngày, mỗi ngày có khi tới 15-16 giờ. Tính ra thời gian làm việc của NLĐ Việt Nam nhiều hơn lao động các nước nhưng tiền lương, thu nhập, mức sống, sức khỏe… đều không bằng. Vậy cớ gì lại đi so bì với nước người ta để rồi đề xuất tăng tuổi hưu trong thời điểm này?". Bà Lê Thị Châu Huyền, cán bộ quản lý một doanh nghiệp lắp ráp điện tử ở KCX Tân Thuận, TP HCM bày tỏ ý kiến không đồng tình ngay khi biết được đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tăng tuổi hưu.
Làm không nổi
Từ thực tế tại doanh nghiệp mà mình đã làm việc gần 20 năm, bà Châu Huyền cho biết rất nhiều công nhân không thể trụ nổi với nghề khi chỉ mới ngoài 40 tuổi. Rất nhiều người bị bệnh về cột sống, mắt, viêm xoang, đau khớp, giãn tĩnh mạch, ù tai… Bà Huyền nhìn nhận: "Có một thực tế là sức khỏe của phần đông NLĐ đều bị suy giảm sau nhiều năm làm việc nên khi biết việc đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, họ rất sợ hãi. Ý kiến cá nhân tôi là không đồng tình nâng tuổi nghỉ hưu cho cả nam lẫn nữ khi việc làm, đời sống của họ chưa có sự cải thiện đáng kể".
Công nhân trực tiếp sản xuất không muốn nâng tuổi nghỉ hưu Ảnh: KHÁNH CHI
Với ông Nguyễn Văn Hánh, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM, từng làm tài xế cho một đơn vị sự nghiệp của nhà nước nhiều năm và mới nghỉ hưu năm ngoái thì tuổi tác là một gánh nặng. Mắt kém, phản xạ chậm, khớp cổ chân bị đau nên khi đạp ga trên đoạn đường dài lúc buông ra thì chân đau nhừ, chịu không nổi. Ông Hánh tâm sự: "Nghỉ hưu được mấy tháng thì buồn, tôi đăng ký làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên chỉ sau mấy chuyến công tác tôi phải xin nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực lúc phải đi tỉnh xa liên tục. TP HCM mỗi ngày một kẹt xe nghiêm trọng, chỉ riêng lái xe đi trong nội thành cũng đã quá mệt. Do vậy với những người làm nghề như tôi, muốn làm tiếp sau tuổi hưu hiện tại thì cũng không kham nổi".
"Tôi muốn nghỉ hưu ở tuổi 50"
Không chỉ phản đối việc nâng tuổi hưu như đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH, chị Cao Thị Hoài Thu (Công ty F., KCX Linh Trung 1, TP HCM) còn cho biết muốn về hưu ở tuổi 50! Chị Thu chia sẻ: "Một ngày làm việc của tôi bắt đầu từ tờ mờ sáng và thường kết thúc lúc 18 giờ, có khi là 20 giờ. Với cường độ và môi trường làm việc nóng bức, ăn uống thiếu chất thì làm sao làm việc đến 60 tuổi? Ở tuổi 60, liệu tôi còn đủ sức để làm việc với cường độ như thế, mắt còn đủ tinh để nhìn thấy đường may? Liệu đến lúc đó doanh nghiệp có còn giữ hay họ muốn đẩy chúng tôi ra đường để tuyển lực lượng lao động trẻ khỏe hơn? Gần đây báo chí cũng thông tin là nhiều doanh nghiệp đã chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ tuổi 35. Vậy chính sách về hưu ở tuổi 60 có làm chúng tôi tốt hơn hay tăng nguy cơ mất việc? Nếu nâng tuổi hưu, tôi tin nhiều lao động sẽ chọn nghỉ việc và lãnh một cục tiền thay vì chờ về hưu".
Bà Phạm Thị Hồng Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Sài Gòn Food, cho rằng với những người trực tiếp lao động sản xuất ở nhà máy, quy định như hiện nay là phù hợp. NLĐ tại các nhà máy sản xuất khi gần 50 tuổi đã thấy "đuối" nên không thể đủ sức khỏe để làm việc đến tuổi nghỉ hưu như đề xuất mới. Việc cần làm là xác định được từng nhóm công việc cụ thể, với từng nhóm lao động cụ thể để điều chỉnh cho hợp lý, không nên cào bằng, tránh gây áp lực cho NLĐ.
Cũng quan tâm đến lực lượng lao động trực tiếp sản xuất, ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Vĩ Châu (quận 7, TP HCM), khẳng định không nên tăng tuổi nghỉ hưu với đối tượng này. Ông Kiệt nói: "Việc tăng tuổi nghỉ hưu là không phù hợp với NLĐ làm việc trong các ngành nghề lao động chân tay. Bộ LĐ-TB-XH cần phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát thực trạng tình hình đời sống, việc làm của NLĐ tại các doanh nghiệp để từ đó có thể đánh giá tác động bước đầu trước khi đề xuất bởi NLĐ chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Theo tôi, kéo dài tuổi nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ cần phải được xem xét trong điều kiện thể trạng sức khỏe của NLĐ. Thực tế cho thấy ở các doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, giày da, tuổi nghề của lao động nữ rất ngắn (10 đến 15 năm), do phải làm việc với cường độ cao, sức khỏe hao mòn. Đó cũng lý do rất ít lao động nữ có thể theo nghề đến lúc nghỉ hưu; nhiều lao động lớn tuổi bị sa thải do năng suất lao động thấp".
Ông LÊ ĐÌNH QUẢNG, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Không đồng tình nâng tuổi nghỉ hưu đối với công nhân
Theo quy định hiện hành, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện bình thường là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đã được đặt ra nhiều lần trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật của nước ta như Luật Bình đẳng giới (2007), Bộ Luật Lao động năm 2012, Luật BHXH (2014)... nhưng chưa được Quốc hội đồng thuận.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề phức tạp, tác động đến nhiều yếu tố, vì vậy cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đánh giá tác động cả những yếu tố kinh tế - xã hội một cách khoa học, chính xác. Kéo dài tuổi nghỉ hưu cần phải được xem xét trong điều kiện lao động và tình hình sức khỏe của NLĐ. Việc tăng tuổi nghỉ hưu là không phù hợp với NLĐ làm việc trong các ngành nghề lao động chân tay. Thực tế, hiện nay rất nhiều lao động nữ đang làm việc trong các ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử… bị người sử dụng lao động cho nghỉ việc ở tuổi 30 - 35 với lý do sức khỏe không đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy tuổi nghỉ hưu bình quân của nước ta là 53,4 tuổi, trong đó nam giới là 55,2 tuổi, nữ giới là 51,7 tuổi, những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì tuổi nghỉ hưu bình quân chỉ khoảng 43 tuổi. Qua báo cáo của các cấp Công đoàn, hầu như tất cả NLĐ khu vực trực tiếp sản xuất, các ngành nghề lao động chân tay đều về hưu với mức lương thấp hơn (chế độ hưu khi suy giảm khả năng lao động theo điều 55 Luật BHXH 2014). Những NLĐ này không thể tham gia lao động đến lúc đủ tuổi (nam 60, nữ 55) để được hưởng chế độ hưu đầy đủ. Do đó nếu tuổi nghỉ hưu tăng, đồng nghĩa NLĐ sẽ về hưu với tiền lương rất thấp và sẽ là gánh nặng cho chính NLĐ và gia đình họ, cũng như cho xã hội, một số sẽ hưởng thấp hơn chuẩn nghèo. Mặt khác, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên nước ta trong những năm vừa qua luôn cao hơn khoảng 3 lần so với tỉ lệ thất nghiệp chung toàn quốc. Tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với cơ hội có việc làm của lao động trẻ bị suy giảm, tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng.
Hiện nhiều nước trên thế giới có quy định tuổi nghỉ hưu cao (trên 60 tuổi), song chủ yếu là các nước phát triển; môi trường, điều kiện làm việc được cải thiện. Khá nhiều nước có điều kiện tương đồng Việt Nam có tuổi nghỉ hưu bằng hoặc thấp hơn chúng ta như: Trung Quốc (60-55 tuổi), Indonesia (55 tuổi), Malaysia (55 tuổi), Thái Lan (55 tuổi)… Do đó, không nên nâng tuổi nghỉ hưu với NLĐ trực tiếp sản xuất, dịch vụ. Đối với khu vực hành chính sự nghiệp có thể xem xét để nâng tuổi nghỉ hưu nhưng phải có lộ trình tăng thích hợp để giảm thiểu ảnh hưởng đến cơ hội có việc làm cho nhóm lao động trẻ. Đối với cán bộ quản lý hoặc những người có học hàm, học vị, có thể được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng phải thôi làm công tác quản lý. V.DUẨN ghi
Bình luận (0)