Để ngày càng có nhiều người lao động (NLĐ) được tiếp cận, thụ hưởng từ các hoạt động của Công đoàn, trong Tháng Công nhân (CN) lần thứ 14, LĐLĐ quận 6, TP HCM đã có nhiều đổi mới từ nội dung đến phương thức hoạt động. Thay vì tổ chức tập trung, năm nay, LĐLĐ quận đã hướng toàn bộ hoạt động đến cơ sở và từng nhóm đối tượng chăm lo cụ thể.
Chăm lo chu đáo
Một trong những hoạt động mới được LĐLĐ quận 6 phối hợp tổ chức là Ngày hội văn hóa ẩm thực các dân tộc thiểu số để chăm lo riêng cho nhóm lao động này.
Đến với ngày hội có hơn 500 lao động, ngoài được thưởng thức miễn phí các món ăn đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, xem triển lãm hình ảnh về con người và trang phục của các dân tộc, họ còn được thưởng thức chương trình văn hóa nghệ thuật, giới thiệu nét đẹp văn hóa của các dân tộc. Bên cạnh đó, LĐLĐ quận còn dành những phần quà nghĩa tình cho 39 NLĐ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Là một trong những NLĐ được nhận quà, chị Tiêu Ngọc Hương (người Hoa, bảo mẫu Trường Tiểu học Phạm Văn Chí) rất vui. Suốt gần 1 năm trường phải tạm đóng cửa vì dịch Covid-19, thu nhập giảm sút khiến cuộc sống của chị và gia đình gặp không ít khó khăn. "Trong suốt thời gian qua, tôi đã được Công đoàn hỗ trợ rất nhiều. Lần này lại được nhận quà của LĐLĐ quận, tôi rất cảm động. Ngoài quà tặng, tôi cũng rất vui khi được thưởng thức nhiều món ăn ngon và tìm hiểu văn hóa của các dân tộc anh em" - chị nói.
Chương trình "Ngày hội sức khỏe cộng đồng" do LĐLĐ quận 5, TP HCM phối hợp với Bệnh viện Hùng Vương tổ chức cũng là mô hình chăm lo hiệu quả bởi qua đó NLĐ không chỉ được khám sức khỏe chuyên sâu mà còn nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe của bản thân. Bà Lê Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ quận 5, cho biết có nhiều nữ CN vì hoàn cảnh khó khăn nên ít khi đi khám sức khỏe định kỳ, chương trình giúp chị em được tầm soát các bệnh phụ nữ để họ an tâm lao động và kịp thời điều trị khi phát hiện các dấu hiệu bệnh bất thường.
Đặc biệt, chương trình đã tạo điều kiện cho 500 nữ CN khó khăn được tiếp cận dịch vụ khám sức khỏe chất lượng cao tại bệnh viện. Chị Lê Thị Bích, CN Xí nghiệp Liên doanh Vianco, cho hay đây là lần đầu chị đi khám bệnh tại một bệnh viện lớn. "Trước đây đau ốm, tôi chỉ mua thuốc uống là xong. Khi không chịu nổi, tôi mới đi bệnh viện. Nay nhận được gói hỗ trợ của LĐLĐ quận, tôi có cơ hội kiểm tra tổng quát sức khỏe của mình nên mừng lắm" - chị Bích bày tỏ.
Người lao động tại “Điểm tư vấn pháp luật” miễn phí, do Công đoàn Viên chức TP HCM phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Thêm nghề "tay trái"
Không chỉ đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ khó khăn cho NLĐ, Tháng CN năm nay còn để lại nhiều dấu ấn khi tổ chức Công đoàn mở rộng nhiều hoạt động tiếp sức NLĐ như dạy nghề miễn phí hay tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho CN. Trong đó phải kể đến ý tưởng ra mắt "Điểm tư vấn pháp luật" miễn phí cho NLĐ tại Nhà Văn hóa Khu Công nghệ cao do Công đoàn Viên chức TP HCM phối hợp Sở Nội vụ thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố thực hiện. Điểm tư vấn hoạt động định kỳ với thời gian 1 buổi/tuần, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho NLĐ các vấn đề liên quan đến pháp luật lao động, hôn nhân gia đình...
Tại buổi ra mắt đã có đông đảo NLĐ đến tư vấn. Chị Nguyễn Phạm Kim Dung (nguyên là CN Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên; Khu Công nghệ cao) cho biết tháng 9-2020 chị sinh con. Sau thời gian nghỉ thai sản, chị trở lại làm việc, do ảnh hưởng dịch Covid-19, chị xin nghỉ việc. Thế nhưng cho đến nay, chị vẫn chưa nhận được chế độ thai sản. Tại điểm tư vấn pháp luật, cơ quan BHXH TP Thủ Đức hướng dẫn chị Dung yêu cầu công ty phải có văn bản cụ thể về vấn đề này. Cơ quan BHXH TP Thủ Đức sẽ căn cứ vào văn bản để có hướng giải quyết.
Mô hình CLB "Dạy nghề 0 đồng" do LĐLĐ quận Gò Vấp, TP HCM phối hợp Trung tâm Văn hóa và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện đang được Công đoàn cơ sở và NLĐ quan tâm. Ông Phạm Văn Tài, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận, cho biết mô hình này nhằm giúp NLĐ có nhu cầu học thêm nghề "tay trái" để tăng thu nhập cho gia đình. Trước mắt, CLB sẽ chiêu sinh các lớp dạy nghề ngắn hạn như làm bánh, phục vụ bàn tiệc, làm tóc. Thời gian học kéo dài từ 1 - 3 tháng hoàn toàn miễn phí, được tổ chức vào cuối tuần và các buổi cho phù hợp với giờ làm việc của NLĐ. "Hiện chương trình đã được triển khai đến các cơ sở và các khu nhà trọ để NLĐ đăng ký và nhận được phản hồi tốt từ NLĐ. Theo nhu cầu của NLĐ, CLB sẽ tiếp tục mở rộng các ngành nghề dạy học cho phù hợp" - ông Tài nói.
Bảo đảm quyền lợi của người lao động
LĐLĐ TP HCM sáng 15-6 đã sơ kết phong trào thi đua "Mùa Xuân" năm 2022. Đánh giá kết quả tổ chức hội nghị NLĐ, LĐLĐ thành phố cho biết ở khu vực ngoài nhà nước, trong 6 tháng đầu năm, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chỉ có 7.978/17.956 đơn vị tổ chức (đạt 44,4%); 8.978/17.956 Công đoàn cơ sở phối hợp người sử dụng lao động tổ chức đối thoại định kỳ (đạt 50%). Về thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, có 9.581 Công đoàn cơ sở đã ký kết, trong đó ký mới 773. Để bảo đảm quyền lợi của CNVC-LĐ, LĐLĐ thành phố lưu ý các Công đoàn cấp trên phải tiếp tục theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp chủ doanh nghiệp tổ chức hội nghị NLĐ và thực hiện tốt quy chế dân chủ tại nơi làm việc.
Dịp này, LĐLĐ TP đã tuyên dương 35 tập thể có nhiều thành tích trong triển khai phong trào thi đua "Mùa Xuân" năm 2022.
Bình luận (0)