Vừa tan ca, anh Trần Văn Sơn, bảo vệ Nông trường Phạm Văn Cội (thuộc Công ty TNHH MTV Bò sữa TP HCM - Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn), về nhà tắm rửa, ăn vội chén cơm rồi trở lại lớp học ban đêm ngay tại nông trường. Lớp học do Công đoàn (CĐ) Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn phối hợp cùng Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tôn Đức Thắng tổ chức.
Viết tiếp giấc mơ
Ngượng ngùng trong màu áo trắng tinh, anh Sơn cho biết mình đã bỏ học đúng 20 năm, giờ trở lại lớp nên có phần hồi hộp. Ngày trước, anh học đến lớp 12 nhưng đến giữa năm thì anh bỏ ngang vì ham chơi. “Nhiều khi tôi tiếc tại sao không cố gắng chút nữa để lấy được bằng tú tài. Nhiều lần cũng định đi học lại nhưng công việc, gia đình, con cái, cứ làm tôi nấn ná mãi. May là CĐ mở lớp ngay tại công ty, lại tạo điều kiện thuận lợi nên tôi có động lực đi học” - anh Sơn tâm sự.
Cũng bỏ học đã lâu như anh Sơn, chị Nguyễn Thị Hồng Linh, công nhân (CN) cạo mủ cao su của Nông trường Phạm Văn Cội, phải gửi 3 đứa con nhỏ cho mẹ chồng trông để đến lớp học buổi tối. Chị Linh kể: “Khi quyết định đi học trở lại, tôi đắn đo lắm vì chồng hay đi làm xa, ngại mẹ chồng không đồng ý nhưng khi tôi vừa mở lời, mẹ chồng còn động viên tôi cứ yên tâm mà học, mấy đứa nhỏ cứ để bà lo. Vì thế, tôi phải cố gắng học giỏi để không phụ lòng mẹ”.
Trở lại lớp học ban đêm, 28 học viên trong lớp học có người mới 20 tuổi nhưng cũng có người ở cái tuổi 49. Tất cả họ đều chăm chú lắng nghe thầy cô giảng dạy, ghi chép cẩn thận. Ông Phạm Việt Hồng - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bò sữa TP - cho biết: “Đa số CN đều có gia đình, con cái, bỏ học lâu nên việc vận động đi học lại vô cùng khó khăn. Cùng với quyết tâm của Đảng ủy, CĐ tổng công ty, công ty tạo mọi điều kiện để CN yên tâm đi học”.
Vượt lên chính mình
Sau giờ tan ca, từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, CN Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Xí nghiệp May Thị Nghè - Công ty CP May Sài Gòn 2 (Tổng Công ty Dệt may Gia Định), tất tả đạp xe đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tôn Đức Thắng để học. Cứ đều đặn như thế gần 2 năm nay, Lệ đã xong lớp 10 rồi lên lớp 11. Vì phải đi học, Lệ xin phép không tăng ca. Chị cho biết: “Vì không tăng ca nên thu nhập của tôi mỗi tháng chỉ hơn 3 triệu đồng lại lo tiền học phí, sách vở, do đó cuộc sống vô cùng khó khăn”. Vượt lên chính mình, cô CN 19 tuổi đã đạt loại giỏi và vừa được công ty hỗ trợ 1 triệu đồng học phí. Ước mơ của Mỹ Lệ là sau khi lấy được bằng tốt nghiệp THPT sẽ tiếp tục học nghề kế toán mà cô yêu thích.
“Thấy những nhân viên văn phòng đúng giờ họ ra về trong khi mình vẫn tất tả tăng ca, làm thêm mà thu nhập không đủ sống, tôi quyết định đi học trở lại” - chàng trai 24 tuổi Hà Phát Mạnh, CN vắt sổ Công ty CP May Đại Việt (Tổng Công ty Dệt may Gia Định), tâm sự. Mạnh kể ngày trước vì học yếu nên quyết định nghỉ học để đi làm. Nhưng khi đi làm rồi, chàng trai quê Cà Mau nhận ra nếu không có kiến thức thì không thể tiến xa hơn nên quyết định đi học trở lại. Suốt 3 năm ròng rã đạp xe đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Phú, TP HCM vào mỗi tối, Mạnh đã có được tấm bằng tốt nghiệp THPT và đang theo đuổi giấc mơ vào Trường ĐH Luật TP HCM.
Ở Tổng Công ty Dệt may Gia Định hiện có nhiều CN đang theo học chương trình giáo dục thường xuyên vào buổi tối. Mỗi học viên được CĐ cơ sở hỗ trợ từ 20% đến 25% học phí và được CĐ tổng công ty khen thưởng vào cuối năm học.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Phải học để theo kịp cái mới
Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các doanh nghiệp liên tục đầu tư, đổi mới trang thiết bị ngày càng hiện đại, tối tân. Điều đó đòi hỏi đội ngũ CN phải có tay nghề, trình độ kỹ thuật cao. Để làm được điều này, bên cạnh sự hỗ trợ của doanh nghiệp và CĐ, mỗi CN phải tự mình cố gắng học tập để có đủ trình độ, kiến thức tiếp thu kỹ thuật, công nghệ mới. Học chính là chìa khóa thành công cho CN.
Bình luận (0)