Vừa trở về từ công trường, quần áo, giày còn dính đầy bùn đất nên cô công nhân (CN) Danh Thị Thúy Diễm, 20 tuổi, có phần e dè khi bước vào hội trường. Diễm là một trong 225 nữ CN xây dựng của Công ty Đại Quang Minh (quận 2, TP HCM) vừa được LĐLĐ TP tặng quà.
Kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ
Diễm là người dân tộc Khmer, quê ở Kiên Giang. Gia đình quá nghèo, không có đất đai canh tác, cả nhà cô sống bằng nghề làm thuê. Ba của Diễm và anh kế làm CN xây dựng. Mẹ Diễm bị đau khớp không thể làm việc nặng. Đứng trước khó khăn này, 16 tuổi, vừa học xong lớp 9, Diễm đã nghỉ học để theo ba và anh lên TP làm CN xây dựng. "Ngày mới lên, khi làm ở bộ phận giàn giáo, tôi sợ lắm vì làm việc trên cao, cả ngày phải phơi nắng, phơi gió nhưng nghĩ đến cảnh mẹ ở quê có tiền chữa bệnh nên tôi cố gắng, rồi mọi thứ cũng qua. Thấm thoắt, tôi đã gắn bó cùng công trường được 4 năm" - Diễm tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương - Chủ tịch LĐLĐ quận 2, TP HCM - tặng quà cho nữ công nhân khó khăn
CN công trường là những người làm việc khó khăn và cực nhọc nhất vì không chỉ làm trực tiếp ngoài hiện trường mà còn đối mặt với muôn vàn nguy hiểm. Diễm cũng như các CN khác được công ty bố trí ở miễn phí ở lán trại. Nếu ngày nào tăng ca, cô được công ty cho thêm bữa cơm. Diễm bày tỏ: "Nếu chịu khó, tính luôn tăng ca, thu nhập của tôi được 6-7 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí sinh hoạt, mua sắm các thứ lặt vặt, tôi cũng dành dụm 3-4 triệu đồng gửi về cho mẹ. Con gái làm nghề này cực lắm nên tôi mong muốn có một số tiền rồi đi học nghề làm tóc chứ cũng không thể theo mãi nghề này".
Mơ một ngôi nhà tươm tất
Chân chất, hiền lành là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về chị Lê Thị Đẹt, 38 tuổi, CN bộ phận sắt. Vợ chồng chị Đẹt quê ở Đồng Tháp, không ruộng đất nên cũng sống bằng nghề làm mướn. Từ khi chồng làm CN xây dựng, chị Đẹt cũng gửi cô con gái duy nhất cho mẹ để theo chồng hết công trường này đến công trường khác. "Mới đó, tôi đã có 7 năm làm CN xây dựng. Nắng gió cực nhọc lắm, nhiều khi mệt mỏi lắm nhưng mình nghèo, thất học, về quê cũng không biết làm gì nên thôi cố gắng bám theo công trường ngày nào hay ngày ấy" - chị Đẹt bộc bạch.
Mỗi ngày chị Đẹt được trả lương 180.000 đồng, hôm nào có tăng ca được 250.000 đồng. Chồng chị làm công việc nặng nhọc hơn nên mức lương được 350.000 đồng/ngày. Cố gắng chi tiêu tằn tiện, mỗi tháng vợ chồng chị cũng dành dụm được vài triệu đồng để xây lại cái nhà ở quê và mở tiệm tạp hóa nho nhỏ khi chị không đủ sức theo chồng đi làm công trường. Qua trò chuyện, chúng tôi biết chị Đẹt không biết chữ. Mới đây, cô con gái 14 tuổi của chị cũng bỏ học giữa chừng vì không học nổi. "Nghe con bỏ học, tôi buồn lắm vì mong muốn con có thể học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm, không phải cực khổ như ba mẹ. Nhưng nó đã muốn thế thì biết làm sao, chắc tôi cho nó đi học nghề gì đó để sống và còn kiếm được tấm chồng cho tử tế chứ theo nghề CN công trường sao chịu nổi" - chị vừa kể vừa kéo vạt áo lau mấy giọt mồ hôi lấm tấm trên trán.
ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Sẽ đồng hành cùng CN xây dựng
Sự đóng góp của các nữ CN để xây dựng nên những công trình hiện đại, đẹp đẽ là rất quý. Tuy nhiên, đời sống của CN xây dựng, đặc biệt là CN nữ, còn quá khó khăn. Tổ chức Công đoàn sẽ luôn đồng hành để hỗ trợ, chăm lo cho các chị trong những vấn đề thiết thực nhất. Sắp tới, tổ chức Công đoàn sẽ tổ chức các chương trình chăm lo cho CN nữ ở các công trường: tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng, khám bệnh phụ khoa, tổ chức văn nghệ, xem kịch…
Bình luận (0)