Câu nói của anh quản đốc vỏn vẹn bấy nhiêu mà chẳng khác nào trăm ngàn mũi kim đâm vào tim mình. Phía sau mỗi công nhân là người thân của họ. Ai cũng mong năm hết Tết đến, bên cạnh niềm vui sum họp thì mâm cơm phải có thêm thịt cá, bàn thờ ông bà phải có bánh trái, con trẻ phải có phong bao lì xì... Ấy thế mà mình đã dội nước lạnh vào niềm phấn khích; mong mỏi Tết đến, xuân về ấy bằng một thông báo lạnh lùng: “Đối tác bỏ trốn, công ty khó khăn...”.
Ban đầu, khi thông báo chuyện này với công nhân, mình không nghĩ lại nghiêm trọng như vậy. Có ai trên đời này mà không thất hứa, không sai lầm? Huống hồ trong chuyện thất hứa này mình chỉ là nạn nhân. Lẽ ra anh em phải thông cảm chứ sao lại trách móc?
Hôm nghe tin đối tác nước ngoài bỏ trốn, mình thấy đất trời như sụp đổ. Bao nhiêu tiền hàng chưa thanh toán, họ hứa sẽ giải quyết một lần vào dịp cuối năm, nay thì không còn gì cả. Mình tự trách đã quá dễ dãi. Dù phòng tài chính ngăn cản nhưng mình vẫn đồng ý cho họ nợ với lý do đó là đối tác làm ăn lâu năm. Hơn nữa, họ đang gặp khó khăn, làm căng quá thì cũng không đành, lại mang tiếng vô tình với bạn làm ăn.
Mình nghĩ cho người ta như vậy mà họ có nghĩ cho mình đâu? Ôm hơn chục tỉ đồng của mình bỏ trốn, báo hại Tết này không có thưởng, không có tiệc tất niên cho công nhân. Anh em buồn một thì mình buồn mười nhưng mình không khéo nói nên đã làm cho anh em hoang mang, lo lắng. Lẽ ra không nên vội vàng như vậy vì từ giờ đến Tết còn nhiều thời gian để chạy vạy, xoay xở. Một tháng lương không được thì nửa tháng, ít nhiều gì cũng phải có tiền thưởng cho anh em.
Thôi kệ, làm ăn có lúc này lúc khác. “Để em đi hỏi vay bạn bè, anh không việc gì phải sĩ diện. Lo cho công nhân và sự ổn định của công ty quan trọng hơn. Anh chưa thất bại thì chưa thật sự thành công đâu” - vợ mình nói. Mình thấy cũng đúng. Đành dẹp qua một bên niềm kiêu hãnh của một kẻ chưa bao giờ nếm trải thất bại vì suy cho cùng, đi vay tiền có gì đáng xấu hổ?
Bình luận (0)