Hàng tháng cứ đến ngày 10 là vợ chồng ông Võ Văn Lự, ngụ xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), nhận được 8 triệu đồng từ người con gái lao động ở Đài Loan gửi về.
Đổi đời ngoạn mục
Ông Lự kể: "Vợ chồng tôi ở nông thôn, sống nhờ vào mấy công ruộng nên cứ mãi chật vật. Năm 2016, con gái tôi đang làm cán bộ bán chuyên trách ở xã, nhưng thu nhập thấp quá nên xin nghỉ để đi lao động tại Đài Loan. Sang bên đó, nó làm trong công ty sản xuất linh kiện điện thoại di động, công việc ổn định, thu nhập khá tốt nên gia đình tôi bây giờ "dễ thở" hơn trước rất nhiều".
Cũng vươn lên từ xuất khẩu lao động, Lê Nhựt Trường, 26 tuổi, ở xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh cho biết: "Sau khi tốt nghiệp ngành cơ điện ở Trường Đại học Cần Thơ, em nghĩ ngay đến việc đi lao động ở nước ngoài. Đầu năm 2014, em sang Nhật Bản làm trong công ty chuyên về cơ khí (sản xuất líp xe đạp). Qua 3 năm làm việc ở Nhật Bản, trừ hết các khoản chi phí, em còn dư được gần 1 tỷ đồng. Số tiền khá lớn, nếu làm việc ở địa phương sẽ không thể nào có được". Cũng theo Lê Nhựt Trường, lúc ở Nhật Bản, ngoài thời gian lao động trong công ty, Trường còn tranh thủ học thêm tiếng Nhật để chuẩn bị hành trang sau này. Tháng 2-2017, khi hết hạn hợp đồng lao động, Trường trở về quê Đồng Tháp và được Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp nhận vào dạy tiếng Nhật cho những người có nhu cầu đi lao động nước ngoài.
Tập huấn cho người lao động Đồng Tháp chuẩn bị sang Nhật Bản làm việc
Ông Nguyễn Văn Nguyên ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, phấn khởi tâm sự: "Xứ này quanh năm quần quật với ruộng lúa, rau màu, năm trúng năm thất, giá cả bấp bênh nên nông dân không khá được. Trong lúc bối rối tìm giải pháp phát triển kinh tế, được các ngành ở huyện và chính quyền xã tư vấn cho con em đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Nhật Bản có thu nhập cao, thấy các công ty làm ăn uy tín, nề nếp… nên tôi đồng ý cho con đi. Thật sự đây là bước ngoặt giúp gia đình tôi "đổi đời", xây được nhà kiên cố, cuộc sống bây giờ thoải mái hơn trước".
Bà Đặng Thị Nguyệt, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Lai Vung, tiết lộ, chỉ vài năm XKLĐ đã thổi vào các vùng nông thôn một luồng gió mới rất tích cực. Đến nay, trong huyện đã có trên 40 căn nhà khang trang được xây mới từ nguồn tiền lao động nước ngoài gửi về; nhiều hộ từ khó khăn, thiếu thốn… giờ thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Xây dựng "thương hiệu Đồng Tháp"
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp (thuộc Sở LĐTB-XH tỉnh Đồng Tháp) từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đưa khoảng 1.500 người đi XKLĐ, trong đó đi Nhật Bản hơn 1.000 người, còn lại là Hàn Quốc, Đài Loan… Dự kiến cả năm 2017, Đồng Tháp sẽ có khoảng 1.600 người đi XKLĐ (chỉ tiêu đề ra 1.000 người). Có thể nói, mấy năm gần đây Đồng Tháp vươn lên trở thành điểm sáng về XKLĐ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Giải thích việc này, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, nhìn nhận: "Để có được kết quả như hôm nay là cả quá trình phấn đấu không mệt mỏi. Từ năm 2014 trở về trước, tình hình XKLĐ ở Đồng Tháp khá yếu, mỗi năm chỉ có vài trăm người đi lao động nước ngoài và thường đi ở các thị trường thu nhập không cao (riêng năm 2013, chỉ có 70 lao động đi làm việc ở nước ngoài). Có nhiều nguyên nhân như, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm, chưa xem đây là giải pháp trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của xuất khẩu lao động...
Cuối năm 2014, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định, XKLĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm vừa để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, vừa đem ngoại tệ về địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bên cạnh đó, XKLĐ cũng nhằm đào tạo nguồn lao động có trình độ kỹ năng tay nghề cao, có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, biết ngoại ngữ, có sức khỏe… Đây cũng nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh". Để đột phá trong XKLĐ, Đồng Tháp đã thành lập ban chỉ đạo để luôn quan tâm sát sao vấn đề này. Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nghị quyết, công văn chỉ đạo các sở ngành, huyện thị… tập trung quyết liệt cho XKLĐ, xem đây là nhiệm vụ chính của từng đơn vị. HĐND tỉnh ra nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2017-2020; trong đó, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ, thủ tục đi nước ngoài, chi phí khám sức khỏe; hỗ trợ vay 100% chi phí đi lao động ở Hàn Quốc và Malaysia, hỗ trợ vay 90% chi phí đi lao động ở Nhật Bản và Đài Loan…Tỉnh cũng giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp chịu trách nhiệm chính về tìm hiểu thị trường, tư vấn cho người dân, đào tạo nghề, học ngoại ngữ… để XKLĐ. Từ cách làm bài bản, quyết liệt, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng đơn vị… đã đem lại hiệu quả tích cực.
Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, lưu ý: "Người dân nông thôn có tâm lý "thấy mới tin". Do đó, vấn đề đầu tiên là chúng tôi phải tìm hiểu kỹ thị trường, hiểu năng lực của doanh nghiệp nước ngoài…Khi nắm cụ thể, mới đưa con em Đồng Tháp đi XKLĐ. Và mỗi xã chỉ cần vài trường hợp đi làm có hiệu quả, có thu nhập cao… thì họ sẽ tuyên truyền lan rộng, khi đó, nhiều người khác sẽ cùng đi". Cũng theo bà Tuyết, 100% lao động khi đi làm việc nước ngoài đều được tỉnh đào tạo nghề trước để hiểu việc, học tiếng nước ngoài để biết giao tiếp, học phong tục tập quán, tác phong làm việc…Đồng Tháp chuẩn bị nguồn lực lao động khá kỹ nên rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài "mê" lao động Đồng Tháp... Tới đây, Đồng Tháp sẽ xây dựng "thương hiệu" về người dân xứ sen hồng khi lao động ở nước ngoài, nhằm quảng bá con người, xứ sở, tiềm năng kinh tế của vùng đất thân thương này đến với quốc tế...
Hiện toàn tỉnh có gần 4.000 người lao động ở nước ngoài, hàng năm mang về cho địa phương khoảng 1.200 tỷ đồng. Tới đây, Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh XKLĐ, trong đó tập trung vào học sinh vừa tốt nghiệp THPT nhưng không vào đại học, sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm, bộ đội xuất ngũ...
Bình luận (0)