Báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), trong 6 tháng đầu năm 2018 Việt Nam đã đưa 61.000 lao động đi làm việc ở các thị trường trên thế giới, riêng Nhật Bản là có 17.417 người (đứng sau thị trường Đài Loan).
5 lý do để chọn Nhật Bản
Theo ông Lê Nhật Tân – Phó Tổng Giám đốc Công ty LOD, dù thị trường Nhật Bản chỉ đứng thứ hai về số lượng XKLĐ nhưng lại luôn dẫn đầu về chất lượng lao động. 2 năm trở lại đây, Nhật Bản được xác định là thị trường trọng tâm, trọng điểm trong XKLĐ.
Theo ông Tân, có 5 lý do để lao động Việt Nam nên chọn thị trường Nhật Bản đi XKLĐ thay vì các thị trường khác. Đầu tiên, Nhật Bản là quốc gia phát triển, thu nhập bình quân đầu người khá cao, do vậy mức lương quốc gia này trả cho lao động cũng khá cao, dao động từ 1.000 - 1.500 USD (khoảng 30-35 triệu đồng/tháng), chưa kể làm thêm.
Thứ 2, theo ông Tân, lao động nên chọn Nhật bởi đây là quốc gia phát triển có thị trường lao động rất phát triển, vì thế người lao động sẽ học được nhiều kiến thức, kỹ năng khá tốt về cả mặt văn hoá, ngôn ngữ, công việc, tác phong công nghiệp... Qua đánh giá, lao động đi làm việc từ Nhật Bản trở về nước có sự hoàn thiện tốt hơn về mọi mặt so với lao động đi Đài Loan, Malaysia, Ả Rập – Xê út.
Thứ 3, hiện nay các chính sách nhập cảnh cho lao động đã được nới rộng. Thay vì cấp thị thực 3 năm, Nhật Bản đã nới rộng lên thành 5 năm. Trước đây với thời hạn 3 năm, lao động làm việc tại Nhật Bản không đủ thời gian để tích luỹ kinh nghiệm, kỹ năng và cả tiền bạc để bù lại số tiền đã đầu tư sang đây làm việc. Tuy nhiên, khi được nới rộng 5 năm, người lao động thực sự có mong muốn đi làm việc sẽ có thể tích luỹ kiến thức cũng như tiền bạc sau này về Việt Nam làm việc.
Thứ 4, với lao động đi làm việc ở Nhật Bản, khi trở về sẽ được công ty hỗ trợ giới thiệu, tạo việc làm. Cứ 3 - 6 tháng một lần các doanh nghiệp phái cử lao động lại tổ chức ngày hội việc làm mời các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam sang làm việc tuyển dụng.
Lý do cuối cùng, nếu trước đây Nhật Bản là thị trường lao động khó tính thì gần đây, Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận lao động rất đa dạng ở nhiều ngành nghề. Từ thực tập sinh kỹ thuật trong ngành công nghiệp, xây dựng, tới ngành nông nghiệp, giúp việc gia đình và cả lao động kỹ thuật cao như kỹ sư, bác sĩ... Điều này là cơ hội tốt để lao động Việt Nam được thử sức, nâng cao trình độ.
Nhiều thị trường lao động tiềm năng
Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân – Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, các thị trường khác thu hút lao động là Hàn Quốc, Đài Loan.
Ông Tân phân tích, nếu xét về thu nhập, thị trường Hàn Quốc có thu nhập ổn định, thậm chí còn cao bằng hoặc hơn tiền lương so với thị trường Nhật Bản. Lao động làm việc ở Hàn Quốc có thể nhận mức lương cơ bản từ 1.500 -2.000 USD/ tháng (tương đường từ 34 -45 triệu đồng/tháng), chưa kể tiền làm thêm.
Nếu làm thêm giờ, lao động có thể nhận mức lương từ 50-70 triệu đồng/tháng. Cao nhất là lương giành cho lao động làm trong ngành công nghiệp, dịch vụ; còn lao động làm nông nghiệp có thể thấp hơn một chút.
Mặc dù có mức lương khá hấp dẫn nhưng không phải lao động nào cũng có thể được đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Nhiều năm gần đây do tình hình lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc tăng khá cao nên phía Hàn siết chặt vấn đề tiếp nhận lao động. Sau 3 năm tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc theo chương trình XKLĐ giá rẻ (EPS), mãi tới năm 2016 phía bạn lại mới mở cửa lại thị trường, tuy nhiên chỉ là ký thoả thuận tiếp nhận lao động theo từng năm.
"Xét về thu nhập thì khá ổn, nhưng về điều kiện lao động, khả năng tích luỹ kinh nghiệm, trình độ, học tập thì đi Hàn Quốc không được như Nhật Bản. Thêm vào đó, thời gian lưu trú tại Hàn Quốc khá thấp, chỉ 3 năm. Đặc biệt, Hàn Quốc chỉ tiếp nhận lao động thông qua chương trình EPS. Mọi lao động đi theo con đường tự do đều là lao động phi pháp, sẽ bị bắt giữ" – ông Tân phân tích.
Với những phân tích trên, ông Tân cho rằng, nếu là lao động trẻ, có trình độ, có tay nghề, có tham vọng, có tài chính lao động nên chọn thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong trường hợp đặt mục tiêu ngắn hạn có thể chọn thị trường XKLĐ dễ tính hơn như Đài Loan, Indonesia, Ả rập – Xê út...
Bình luận (0)