Theo quy định của Việt Nam, chậm nhất là 20 ngày trước ngày đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, DN trúng thầu, nhận thầu, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài phải gửi báo cáo đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài kèm theo bản sao hợp đồng trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài hoặc bản sao giấy chứng nhận đầu tư và tóm tắt nội dung đầu tư ra nước ngoài, danh sách NLĐ ký hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trong khi quy định của Lào nêu rõ: tỉ lệ lao động nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư tại Lào được giới hạn không quá 15% đối với lao động phổ thông và không quá 25% đối với lao động kỹ thuật trong tổng số lao động của dự án. Trong trường hợp cần thiết phải sử dụng lao động nước ngoài quá số % quy định nêu trên, DN có thể xin bổ sung hạn ngạch tại Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào. Khi tới Lào, trong thời hạn 30 ngày, NLĐ nước ngoài cần phải đăng ký và xin cấp phép làm việc với cơ quan quản lý lao động ở trung ương hoặc địa phương của Lào.
Các kỹ sư Việt Nam trên công trường thủy điện Nam E-Moun, Lào
Theo quy định mới nhất, NLĐ nước ngoài được phép lưu trú tại Lào không quá 5 năm. Sau khi hết thời hạn làm việc tại Lào, lao động nước ngoài phải nộp lại thẻ lao động cho cơ quan quản lý lao động (trong thời hạn 15 ngày) hoặc nộp cho công an cửa khẩu khi xuất cảnh khỏi Lào. Tất cả lao động nước ngoài được phép làm việc ở Lào phải nộp thuế thu nhập và lệ phí cho Chính phủ Lào theo quy định của pháp luật. Điều kiện của lao động nước ngoài gồm: tay nghề phù hợp với vị trí yêu cầu, lý lịch rõ ràng, tuổi đời từ 20, không mắc các bệnh truyền nhiễm, có đủ năng lực hành vi dân sự.
Bình luận (0)