Chưa chịu dừng lại ở đó, sau một thời gian dài “đội khung 7/7”, năm 1997, anh thi vào Khoa Cơ khí Ðộng lực Trường Ðại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Giờ đây, anh đã là kỹ sư bậc 7/8. Anh kể: “Từ nhỏ, tôi đã thích nghề sửa chữa ô tô nên năm lớp 7 thi vào Trường Kỹ thuật Gia Ðịnh (sau này là Trường Trung học Công nghiệp Ðiện II). Ra trường được phân công về công ty, thời gian đầu, thoạt trông những chiếc xe chuyên dùng, tôi thấy... sợ, vì ở trường chỉ học sửa chữa ô tô vận tải. May nhờ có các bác, các anh đi trước kèm cặp, chỉ bảo, dần dần tôi mới khá lên”. Những ai đã làm việc với Huỳnh Hữu Châu đều hiểu rằng, thành công đó là kết quả của những ngày đêm anh mất ăn, mất ngủ, dầm mưa dãi nắng bám xe. Dần dần, kinh nghiệm được tích lũy, tay nghề được nâng lên; những hỏng hóc của xe được phát hiện, sửa chữa kịp thời. Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó giám đốc kiêm chủ tịch Hội đồng Sáng kiến công ty, nhận xét: “Châu là kiện tướng sáng kiến của công ty. Anh có nhiều kinh nghiệm, chịu thương, chịu khó, luôn tìm tòi, sáng tạo. Là tổ trưởng sửa chữa, anh đã cùng anh em đảm bảo cho hàng trăm xe của công ty luôn hoạt động tốt”.
Công ty Truyền tải Ðiện 4 là đơn vị quản lý, vận hành lưới điện cao thế trên địa bàn rất rộng: từ trụ số 1 Thủy điện Ða Nhim đến Bạc Liêu. Do vậy, việc đảm bảo hoạt động cho các loại xe, cả xe chuyên dùng lẫn xe đi lại là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Hiện nay, công ty chưa có thiết bị hiện đại để dò “pan” nên chỉ dựa vào tay nghề và kinh nghiệm để “định bệnh” cho xe. Song, 96 chiếc xe của công ty lại có 96 “chứng bệnh” khác nhau vì xuất xứ từ nhiều nước, nhiều chủng loại... Anh tâm sự: “Ðất nước còn nghèo, kinh phí cho đầu tư thiết bị công nghệ còn hạn chế nên chúng tôi cố gắng tận dụng, sửa chữa, chế tạo thiết bị, phụ tùng thay thế để kéo dài thời gian sử dụng cho xe. Song cũng có khi phải bó tay vì không tìm ra phụ tùng thay thế”. Chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây, anh đã có 18 sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Trong đó, nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả cao như: chuyển hệ thống đánh lửa cũ sang IC, gia cố lại pas đỡ bơm con embrayage, gia cố khung dù xe, cải tiến đầu rotin cần đẩy embrayage, phục hồi và cải tiến hệ thống hơi đẩy số mạch 30T, gia công lại nắp bộ chia hơi cẩu 30T...
Không chỉ tự học để nâng cao trình độ cho bản thân, anh còn tận tình kèm cặp, hướng dẫn công nhân (CN) trẻ “như một cách trả ơn những người thầy đã dìu dắt mình”. 14 CN do anh kèm cặp khi mới ra nghề giờ đã là thợ bậc 5, bậc 6/7. Ðiều đáng quý ở anh là khi anh em CN trẻ có ý tưởng, sáng kiến hay, anh luôn luôn quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện phát huy và học hỏi ở họ những điều mới mẻ đó, không câu nệ mình có tuổi đời, tuổi nghề nhiều hơn. Anh nói: “Các sáng kiến cải tiến dù lớn hay nhỏ, tôi đều để hết tâm sức vào đó bởi với tôi, khi đã yêu thích thì công việc nào cũng quan trọng như nhau”.
Bình luận (0)