Do doanh nghiệp (DN) nợ BHXH (khoảng 60 tháng) nên khi nghỉ việc vào tháng 2-2022, chị Đào Thị Thanh Huyền, nhân viên kế toán Công ty CP Dịch vụ Viễn Thông S.G (quận 1, TP HCM), không được chốt và trả sổ BHXH. Bức xúc, chị Huyền khởi kiện ra tòa. Cuối tháng 12-2022, tòa đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khi công ty cam kết sẽ thanh toán nợ, chốt và trả sổ BHXH cho chị. Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn chây ì không thi hành án. Nhiều đồng nghiệp của chị Huyền cũng rơi vào cảnh tương tự, trong đó có nhiều lao động lớn tuổi không tiếp tục tham gia BHXH nên không được hưởng BHXH một lần hay hưu trí khi có nguyện vọng.
Triệt tiêu quyền thụ hưởng của người lao động
Theo BHXH Việt Nam tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài, dai dẳng ở hầu khắp các địa phương trên toàn quốc và thực trạng này đang ảnh hưởng lớn đến vấn đề an sinh xã hội. Việc nợ tiền BHXH diễn ra ở tất cả các loại hình DN với tổng số tiền nợ (phải tính lãi) là gần 14.600 tỉ đồng, chiếm 3,4% số phải thu.
Cả nước hiện có gần 2,8 triệu lao động bị nợ, trốn đóng BHXH, trong đó có tới hơn 200.000 lao động bị nợ BHXH khó đòi nên không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu. Nguyên nhân của tình trạng chậm đóng từ nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, nhưng chủ yếu vẫn là do ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của một số DN chưa cao; cố tình dây dưa, chây ì để nợ kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) trong việc thụ hưởng các chính sách an sinh. Đáng nói là tình trạng chủ DN bỏ trốn để lại khoản nợ lớn tiền lương, BHXH của NLĐ vẫn diễn ra, chưa có giải pháp hữu hiệu, kịp thời.
Cán bộ BHXH quận Tân Bình, TP HCM giải đáp thắc mắc về chính sách BHXH cho người lao động. Ảnh: CAO HƯỜNG
Tại TP Hà Nội, tính đến hết tháng 1-2023, gần có 12.100 đơn vị, DN nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài với tổng số tiền nợ là hơn 1.905 tỉ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của 67.703 lao động. Ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội, cho biết việc xử lý các DN vi phạm quy định của pháp luật về BHXH còn gặp vướng mắc do sau dịch COVID-19, các DN gặp nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh nên số DN giải thể, ngừng hoạt động lớn. Cùng đó, việc tổ chức Công đoàn khởi kiện DN nợ BHXH còn gặp nhiều khó khăn do một số quy định hiện hành dẫn tới việc khởi kiện DN nợ chưa được giải quyết.
Sẽ có lương hưu, trợ cấp
Theo ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý thu - BHXH Việt Nam, việc các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích, ngừng hoạt động mà còn nợ BHXH, khiến quyền lợi của NLĐ có nguy cơ "mất trắng".
Để giải quyết kịp thời quyền lợi cho NLĐ và thân nhân NLĐ, mới đây, BHXH Việt Nam đề xuất giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng đối với một số trường hợp. Cụ thể, NLĐ đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và có thời gian thực đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng BHXH) thì được giải quyết hưởng lương hưu theo quy định của chính sách tại thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu.
NLĐ đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu, có tổng thời gian đóng BHXH dưới 20 năm (trong đó thời gian thực đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên) mà NLĐ có nguyện vọng thì được đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng, thời điểm hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại khoản 2 điều 5 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH.
Các chế độ BHXH một lần, chế độ tử tuất, ốm đau, thai sản căn cứ trên cơ sở thời gian thực đóng BHXH đã được xác nhận. Tùy từng chế độ, ngành BHXH đề xuất được giải quyết quyền lợi cho NLĐ theo các quy định hiện hành, nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ không bị ảnh hưởng theo nợ BHXH.
Bên cạnh các giải pháp nhằm giải quyết chế độ BHXH đối với NLĐ tại các đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ tiền BHXH, BHYT, năm 2023, lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố áp dụng triệt để các giải pháp thu hồi nợ. Trong đó, chú trọng tổ chức các đoàn thanh tra chuyên ngành tập trung thanh tra phương thức đóng, rút gọn thời gian thanh tra.
Theo ông Phạm Tuấn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam), những năm qua, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, công an các địa phương và ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp thường xuyên, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hai ngành, đặc biệt trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Với sự nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành liên quan, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN đang có chiều hướng giảm.
Luật sư NGUYỄN VĂN PHÚC, Đoàn Luật sư TP HCM:
Sớm tháo gỡ vướng mắc
NLĐ không có lỗi trong việc DN nợ BHXH bởi theo Luật BHXH, họ chỉ có trách nhiệm đóng BHXH, thực hiện quy định về việc lập hồ sơ BHXH, bảo quản sổ BHXH. Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ, đóng BHXH hằng tháng trích từ tiền lương của NLĐ; phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH, xác nhận thời gian đóng BHXH khi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc... Như vậy, NLĐ đã thực hiện đúng nghĩa vụ của mình nhưng vì DN nợ BHXH mà bị treo quyền lợi. Đặc biệt là NLĐ ở các DN có chủ bỏ trốn rất thiệt thòi vì theo các quy định hiện hành phải chờ DN khắc phục nợ, trong khi đây là điều không tưởng. Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án đề xuất giải quyết quyền lợi cho NLĐ tại các DN nợ BHXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Bình luận (0)