“Nhiều nơi trên thế giới có lao động qua đào tạo nghề chiếm tỉ lệ cao, như Na Uy có 90% lao động học nghề, Trung Quốc là 58%, Đài Loan là 80%. Trái lại, ở nước ta lại có tình trạng học sinh đổ xô học đại học chứ không học nghề. Đây là tâm lý chuộng bằng cấp, không thích sản xuất”. Ông Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nhấn mạnh điều này tại hội thảo “Quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) trong hoạt động dạy nghề” tổ chức mới đây.
“Né” đào tạo nghề
Ông Phi cho biết ngoài lý do trên, thực trạng DN trong nước không mặn mà trong hoạt động liên kết dạy nghề khiến công tác đào tạo nghề chưa hiệu quả, không đáp ứng được nhu cầu nhân lực của nền kinh tế.
Theo ông Phạm Hồng Kỳ, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Công nghệ cao Đồng An, DN chưa thấy rõ trách nhiệm trong quá trình thực tập của sinh viên (SV). Giữa DN và nhà trường ít có thỏa thuận hoặc không có sự trao đổi thống nhất về vị trí làm việc, nội dung công việc để SV có điều kiện tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trong thời gian thực tế.
“Khi tiếp xúc, tôi nhận thấy nhiều DN cho rằng SV thiếu kỹ năng thực hành, kiến thức về quy trình sản xuất, tính chủ động. Hơn nữa, SV thực tập thường làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hơn là mang lại hiệu quả” - ông Kỳ cho biết.
PGS-TS Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC kiêm Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề FLC, cũng thừa nhận ở các nước phát triển, hoạt động dạy nghề được xác định là trách nhiệm và quyền hạn của DN. Trong khi đó, ở Việt Nam, quy định về vấn đề này còn lỏng lẻo. Đa số DN chưa quan tâm đến công tác dạy nghề cho người lao động. Thời gian gần đây, một số DN đã đặt vấn đề đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực; nhiều địa phương cũng xuất hiện một số mô hình thí điểm về hợp tác giữa DN và trường nghề song sự phối hợp, chủ động tham gia của DN còn hạn chế.
Cần phối hợp 3 bên
Để bảo đảm đầu ra cho SV trường nghề, chính quyền, nhà trường và DN cần có sự phối hợp chặt chẽ. Từ kinh nghiệm về xây dựng hệ thống đào tạo nghề, ông Elmar Dutt, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề Đức tại Việt Nam, cho hay trong mô hình đào tạo kép (nhà trường cung cấp kiến thức lý thuyết, DN cung cấp kỹ năng và nghiệp vụ) của Đức, DN sẽ tham gia với mức độ cao nhất.
“Chính phủ Việt Nam cần giảm thuế và ưu đãi để khuyến khích DN đào tạo nghề. Ngoài ra, chúng ta nên luật hóa thời gian thực hành của SV ở DN, cần có thời gian thực hành từ 3-6 tháng để bảo đảm chất lượng đầu ra” - ông Elmar Dutt đề xuất.
Ông Lê Duy Cầu, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng cho rằng trường nghề cần chủ động tạo mối liên hệ giữa DN, nhà trường và chính quyền. Ông dẫn chứng: “Trong dự án với đối tác CIFS (Nhật Bản) về đào tạo nghề cắt gọt kim loại và cơ điện tử, trường đã nhận nhiều ưu đãi, như được tài trợ về chuyên gia giảng dạy, máy móc thiết bị từ phía đối tác. UBND tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí 30 triệu đồng/khóa/học viên trong thời gian 2 năm và 50 triệu đồng/20 học viên để trau dồi kỹ năng mềm”.
Ưu đãi doanh nghiệp đào tạo nghề
Bộ LĐ-TB-XH vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Trong đó, nổi bật là nội dung: DN được trừ thuế để tính thu nhập chịu thuế đối với một số khoản chi cho dạy nghề khi tham gia đào tạo nghề. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tán thành đề xuất này, lưu ý quy định quyền và trách nhiệm của DN trong hoạt động dạy nghề phải được xây dựng trên cơ sở mối liên hệ tự nguyện, tự chủ và lợi ích chung.
Bình luận (0)