Đến Ngã ba Giồng (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP HCM), hỏi thăm nghệ nhân Lê Thành Tâm, bà con ở đây ai cũng biết. Ông Tâm là người sở hữu bộ sưu tập kiểng không khí độc nhất vô nhị tại TP HCM.
Bỏ phố về ruộng
Trước mắt tôi là một lão nông tầm 60 tuổi, thân hình rắn chắc, khỏe mạnh và dễ gần. Dẫn tôi dạo một vòng trang trại rộng hơn 5.000 m2 của mình, ông khoe nhiều giống cây kiểng độc đáo, mới lạ do chính tay mình sưu tầm, nhân giống. Dừng lại ở một khu vực với nhiều giống kiểng bụi nhỏ, lá xòe khá lạ mắt, ông nhổ lên và giải thích: “Đây là kiểng không khí, nó sống nhờ không khí và nước mà không cần đất. Loại kiểng này ở nước ngoài khá nhiều nhưng ở Việt Nam thì chỉ có ở vườn của chú”.
Cuộc chuyện trò bị cắt ngang khi điện thoại ông reo lên. Nghe ông nói chuyện với khách bằng tiếng Hoa, tôi thoáng chút bất ngờ. Đợi ông dứt cuộc nói chuyện, tôi tò mò hỏi: “Chú là người Hoa à?”. Nghe hỏi, ông Tâm cười khề khà: “Tôi là người Việt 100%. Lúc trước, có thời gian làm hướng dẫn viên du lịch nên nói được tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Thái, tiếng Campuchia… Có ông bạn người Đài Loan, cũng làm nghề trồng hoa kiểng, muốn tham quan khu vườn nhà”.
Xuất ngũ từ chiến trường Campuchia về, ông vào Saigontourist làm hướng dẫn viên du lịch. Được đi nhiều nơi, tham gia nhiều hội chợ triển lãm hoa kiểng, ông đã bị hút hồn bởi màu sắc, hình dáng kỳ lạ của những loài hoa ở khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là ở xứ người. Niềm đam mê với cây kiểng cũng bắt đầu lớn dần trong ông. Đi đến đâu gặp giống kiểng lạ, ông đều xin về trồng ở vườn nhà. Năm tuổi 40, thấy mình không còn phù hợp với nghề hướng dẫn viên, ông cho thuê căn nhà ở quận Bình Thạnh, đưa vợ con về huyện Hóc Môn mua 2.000 m2 đất mở trại trồng kiểng. Tự mày mò sưu tầm, nhân giống, dần dần ông cũng có cơ ngơi cho riêng mình. Khi thị trường cây kiểng khởi sắc, ông thuê thêm 3.000 m2 đất bên cạnh để mở rộng quy mô trại. Hiện vườn kiểng nhà ông có hơn 100 loại, nhập từ nhiều nước trên thế giới về nhưng độc đáo nhất là kiểng không khí, một loại kiểng có hình dáng dễ thương, bắt mắt, rất thích hợp để trang trí trong nhà, văn phòng, quán cà phê, sân vườn…
Lão nông chịu chơi
“Nghề chơi nào cũng tốn kém, nghề trồng hoa kiểng càng tốn nhiều hơn. Chơi kiểng không khí là cách tôi thỏa niềm đam mê, khát khao của bản thân” - ông bộc bạch.
Để có bộ sưu tập kiểng không khí hơn 50 loại như hiện nay, ông đã lặn lội qua Thái Lan, Đài Loan… để mua giống rồi ươm trồng. Có nhiều giống kiểng rất hiếm, giá bán cao nhưng khi biết ông cất công từ Việt Nam sang tìm vì niềm đam mê, nhiều khách hàng nước ngoài đã nhượng lại với giá rẻ. Khi tôi hỏi loại kiểng này có khó chăm sóc không, ông cười cho biết: “Có khó gì đâu, chỉ cần treo kiểng ở nơi khô ráo, thoáng mát, 2-3 ngày phun nước một lần hoặc nhúng chúng vào chậu nước 10-15 phút rồi treo lên là được. Giống kiểng này thuộc họ dứa nên sống rất khỏe. Tuy nhiên, để kiểng ra hoa, mỗi tháng phun thuốc sinh trưởng một lần nhưng liều lượng rất nhẹ, chỉ bằng 1/4 phun cho hoa lan”. Với một chút sáng tạo, ông Tâm khéo léo đặt những loại kiểng vào gốc cây, hốc đá, vỏ sò, vỏ ốc, chai thủy tinh… giúp cây kiểng đẹp và bắt mắt hơn.
Nét độc đáo khác của những loại kiểng không khí do ông sưu tầm và nhân giống là người chơi có thể treo xuôi, treo ngược thoải mái mà không ảnh hưởng gì đến quá trình tăng trưởng. Đặc biệt, loại nào cũng có hoa, từ màu đỏ, màu trắng đến màu vàng... Hoa của kiểng không khí có thể chưng đến 3 tháng mới tàn. Ông Tâm cho biết vì đam mê, yêu những cây kiểng không khí này mà ông sưu tầm, chăm sóc rồi trang trí thành một khu vườn riêng chứ chưa có ý định kinh doanh. “Lúc đầu vợ cũng “nhằn” dữ lắm vì thấy tiêu tốn nhiều tiền của vào bộ sưu tập kiểng không khí mà chưa thu được lợi nhuận. Tuy nhiên, thấy tôi mê quá nên bả đành chiều chồng. Nhưng tôi cũng biết liệu cơm gắp mắm khi kinh doanh những loại cây kiểng khác để có tiền nuôi bộ sưu tập kiểng không khí này” - ông Tâm bộc bạch.
Không chỉ giỏi ngoại ngữ, ông Tâm còn rành về công nghệ thông tin. Ông thường xuyên lên mạng tham khảo tài liệu nước ngoài về cách thức chăm sóc kiểng rồi tham gia giao lưu, trao đổi với những người có giống kiểng không khí mới để bộ sưu tập ngày càng nhiều.
“Tôi có một trang trại hơn 4.000 m2 ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) nên đi nhiều nơi để sưu tập giống cây mới. Tuy nhiên, đến khu vườn của ông Tâm, tôi thật sự ấn tượng bởi bộ sưu tập kiểng không khí quá đẹp và độc đáo. Loại kiểng này thích hợp ở những đô thị lớn cần mảng xanh nhưng thiếu đất, không gian chật hẹp” - ông Trần Hữu Vỹ, nghệ nhân người Đài Loan, nhận xét.
Bình luận (0)