“Dù các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao cho công nhân (CN) nhưng nỗ lực này chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người lao động". Bà Đinh Thị Bạch Mai, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM, cho biết như vậy tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về đời sống văn hóa CNLĐ trong các KCX-KCN TPHCM mới đây.
Không thể tích lũy
Kết quả một cuộc khảo sát năm 2007 của tiến sĩ Phạm Đình Nghiệm (Trường ĐH KHXH-NV TPHCM) trong một nhóm CN tại các KCX-KCN TPHCM cho thấy, độ tuổi của đa số CN từ 18 đến 25 tuổi (74,2%). Trong độ tuổi này, trình độ học vấn của CN ở bậc THCS chiếm 34,9%, THPT là 56,7%. CN có trình độ trung cấp nghề, CĐ và ĐH chỉ chiếm 5,3%.
CN làm việc tại các KCX-KCN làm theo nhịp độ công nghiệp rất căng thẳng. Các nhà máy, xí nghiệp thường chia thành 3 ca. Ngoài thời gian làm việc chính thức, hơn nửa số CN phải tăng ca nhưng thu nhập chỉ đạt bình quân từ 1,1 triệu đồng đến 1,4 triệu đồng/tháng.
Với mức thu nhập trên, hầu như CN không còn tiền để tích lũy, tiết kiệm... Những khoản chi tiêu lớn nhất của CN là tiền thuê nhà (153.000 đồng/tháng), tiền ăn (300.000 đồng/tháng), các khoản chi tiêu khác (660.000 đồng/tháng)... Một số CN còn phải gửi tiền về phụ giúp gia đình. Theo khảo sát, bình quân mỗi CN gửi về nhà 1,9 triệu đồng/năm. Mỗi năm, CN chỉ dành ra khoảng 900.000 đồng cho các khoản sinh hoạt văn hóa.
Hiếm hoi các sinh hoạt thể thao, văn nghệ
Hiện các KCX-KCN TP có hơn 70% CN là người từ các tỉnh đến TPHCM làm việc, sinh sống. Trong điều kiện sống tạm bợ, việc giữ gìn và rèn luyện sức khỏe của CN ở các KCX-KCN rất khó khăn. Qua khảo sát, 80% CN không bao giờ chơi thể thao hoặc hiếm khi chơi, 12% CN thỉnh thoảng chơi và chỉ có 7,8% là thường xuyên chơi. Những dịch vụ văn hóa như Internet, CLB, nhà văn hóa chưa thu hút CN. Loại hình văn hóa CN thụ hưởng nhiều nhất là... xem tivi. Chỉ có 2,3% CN thường xuyên đi xem phim, biểu diễn nghệ thuật, 1,2% CN đi du lịch, tham quan bảo tàng, 6,2% vào mạng Internet... Có đến 74% CN chọn cách thư giãn là... ở nhà nghỉ ngơi.
Ông Vương Phước Thiện, Phó Ban Tuyên giáo LĐLĐ TP, cho biết: “Đời sống quá khó khăn nên muốn tổ chức bất cứ hoạt động vui chơi giải trí nào cho CN cũng khó. Có thể nói nhu cầu văn hóa tinh thần đang bị vật chất lấn áp. Thêm vào đó, thời gian tăng ca nhiều, làm việc mệt mỏi, CN về nhà trọ chỉ muốn nghỉ ngơi, không muốn tham gia vào bất cứ hoạt động nào”. Ông Lâm Văn Tiếp, Phó Ban Quản lý KCX-KCN TP, cũng cho biết sở dĩ CN ít tham gia vào các hoạt động là do các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa... còn quá xa nhà trọ CN.
Cần sự quan tâmcủa toàn xã hội
Bà Đinh Thị Bạch Mai cho biết để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CN, thì không chỉ riêng ngành văn hóa, thể thao và du lịch TP, hay CĐ, Đoàn Thanh niên mà phải cần có sự quan tâm của toàn xã hội. Cụ thể, muốn xây dựng nhà văn hóa gần các KCX-KCN TP cần có quỹ đất. Việc này thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương và ban quản lý các KCX- KCN TP. Chủ doanh nghiệp cũng phải quan tâm, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho CN theo định kỳ hoặc khi có điều kiện...
Ông Vương Phước Thiện cũng đề nghị thêm, nên miễn giảm thuế, khuyến khích các chủ nhà trọ sửa chữa, nâng cấp nhà trọ cũng như tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho CN. Đọc sách báo, bóng bàn, cờ tướng, karaoke, hát với nhau, đờn ca tài tử... là những loại hình được CN yêu thích và tương đối dễ tổ chức hiện nay.
Bình luận (0)