Việc thường xuyên tổ chức đối thoại, minh bạch và công khai các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi người lao động (NLĐ) đã giúp củng cố quan hệ và xây dựng niềm tin giữa ban giám hiệu và đội ngũ cán bộ, giảng viên” - bà Nguyễn Kiều Oanh, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (STU), khẳng định như vậy tại buổi khảo sát vai trò và chức năng của tổ chức CĐ trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở (DCCS) tại nơi làm việc do LĐLĐ TP HCM vừa tổ chức.
Việc doanh nghiệp công khai, minh bạch mọi chính sách giúp công nhân
Công ty CP In sách giáo khoa TP HCM an tâm làm việc Ảnh: HỒNG ĐÀO
Đặt niềm tin vào Công đoàn
Để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, nhiều năm qua, CĐ trường đã có những cách làm bài bản, sáng tạo trong việc thực hiện quy chế DCCS. Điển hình là sáng kiến mở mục “Hộp thư giảng viên - CBNV” trên website của trường do CĐ cơ sở khởi xướng đã tạo kênh đối thoại hữu hiệu, kết nối ban giám hiệu và NLĐ.
Thực tế, từ góp ý xác đáng của giảng viên, ban giám hiệu nhà trường đã kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác điều hành, quản lý, nhất là việc thực hiện chế độ, chính sách, qua đó tạo niềm tin cho NLĐ. Tinh thần lắng nghe của ban giám hiệu được thể hiện rõ nét qua việc từng bước phối hợp với CĐ hoàn thiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của NLĐ, bảo đảm mức thu nhập thấp nhất là 3 triệu đồng/tháng và trích nộp đủ các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho CNVC-LĐ…
Đối với những lao động cùng lúc ký hợp đồng nhiều nơi và đã đóng bảo hiểm nơi khác, trường cộng dồn khoản tiền đóng BHXH, BHTN vào lương. Niềm tin của ban giám hiệu còn được thể hiện rõ nét qua việc giao CĐ vận hành và quản lý “Quỹ hỗ trợ STU”. Sau hơn 5 năm hoạt động, với nguồn vốn 200 triệu đồng do nhà trường hỗ trợ, quỹ đã giúp 131 lao động vay 340 triệu đồng kịp thời giúp đỡ họ trong những lúc khó khăn. “Với vai trò cầu nối, CĐ cơ sở đã kịp thời đề xuất những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng quản lý, chăm lo cho nguồn lực tại chỗ. Song hành với CĐ cơ sở chăm lo cho NLĐ là cách để ban giám hiệu động viên họ an tâm, gắn bó lâu dài, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy” - GS-TS Đào Văn Lượng, hiệu trưởng nhà trường, nhấn mạnh.
Đối thoại thường xuyên
Đó là biện pháp được Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Tân Bình, TP HCM triển khai nhằm thực hiện quy chế DCCS. Mỗi năm, công ty tổ chức đối thoại giữa ban giám đốc và NLĐ tại hội nghị CBCC, sơ kết 6 tháng đầu năm và tổng kết cuối năm. “Qua trao đổi, doanh nghiệp (DN) đã cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao trình độ, học vấn và chăm lo đời sống cho NLĐ. Cũng qua đối thoại, NLĐ đã đóng góp rất nhiều sáng kiến, cải tiến, giúp DN phát triển bền vững” - ông Lê Văn Chính, chủ tịch CĐ công ty, cho biết. Song song đó, vào ngày thứ năm hằng tuần, ban giám đốc còn có lịch tiếp NLĐ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những góp ý của họ dành cho DN. Chính sách chăm lo cho NLĐ và con em tại DN được hình thành từ cơ chế hợp tác tin cậy giữa CĐ và ban giám đốc.
Còn tại Công ty CP In sách giáo khoa TP HCM, việc sớm ký kết với ban giám đốc quy chế nội bộ đã giúp CĐ chủ động hơn trong việc tham gia vào các hoạt động: tuyển dụng, ký hợp đồng, thi tay nghề, lương, thưởng, định mức lao động, nghỉ phép năm… “Mọi hoạt động liên quan đến sản xuất - kinh doanh của DN, nhất là chế độ đãi ngộ, phúc lợi cho NLĐ, CĐ đều được tham gia góp ý. Nhờ đó, quá trình triển khai thực hiện không gặp trở ngại nào” - ông Lê Chí Viện, chủ tịch CĐ công ty, nói. Bên cạnh đó, quy chế phối hợp hoạt động với chính quyền cũng giúp CĐ thuận lợi hơn trong góp ý và giám sát việc thực hiện quy chế DCCS, nhất là các chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ.
Giúp người lao động an tâm
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, việc thực hiện tốt quy chế DCCS sẽ tạo điều kiện cho NLĐ phát huy quyền làm chủ DN, tạo dựng môi trường làm việc thoải mái, tin cậy. Được biết chính xác thông tin về DN sẽ giúp cho NLĐ an tâm gắn bó hơn và cống hiến lâu dài. |
Bình luận (0)