Ngày 27-5, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về giải quyết tranh chấp lao động (TCLĐ) tập thể và đình công. Nhiều ý kiến tại hội thảo đã phân tích, mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến TCLĐ cũng như đưa ra giải pháp để ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp (DN), nhất là DN thâm dụng lao động.
Lắng nghe và chia sẻ
Bà Mai Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Triumph International Việt Nam (KCN Sóng Thần I, TP Dĩ An), cho biết vụ việc hơn 3.000 lao động tại DN đình công 5 ngày để phản đối việc tăng lương không đúng thỏa thuận (chỉ nâng 3% thay vì 5%) vào đầu năm 2022, là bài học đắt giá cho DN.
Trước khi xảy ra đình công, NLĐ đã liên tục nhắn tin, gọi điện cho bà Hồng để than phiền rằng tăng lương như vậy là không đúng với thỏa thuận ban đầu. Ngay lập tức, Công đoàn cơ sở đã trao đổi với DN và bày tỏ mong muốn ban giám đốc có buổi nói chuyện thẳng thắn với công nhân (CN) nhưng phía DN phớt lờ.
"Trước đây, DN luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của Công đoàn. Những bức xúc nhỏ của người lao động (NLĐ) đều được chúng tôi trao đổi thẳng thắn với ban giám đốc để tìm hướng giải quyết ổn thỏa. Do vậy, để xảy ra đình công là rất đáng tiếc. DN chỉ cần nói thẳng khó khăn để tập thể CN hiểu và chia sẻ, còn Công đoàn sẽ cố gắng tìm cách vận động họ. Kinh nghiệm rút ra là nếu giữa chủ DN và NLĐ không sớm tìm được tiếng nói chung thì TCLĐ là đương nhiên" - bà Hồng cho hay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giày Thông Dụng (phường An Phú, TP Thuận An) cho rằng việc tăng cường đối thoại có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa TCLĐ từ gốc. Tại Công ty TNHH Giày Thông Dụng, hằng năm, Công đoàn và ban giám đốc đều tổ chức hội nghị NLĐ. Ngoài thông tin về tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh, ban giám đốc còn nêu ra phương hướng hoạt động trong năm để toàn thể NLĐ nắm rõ.
Tại hội nghị, NLĐ được mời đóng góp ý kiến cho ban giám đốc và Công đoàn cơ sở. "Với một DN có khoảng 5.000 CNLĐ, nếu không có sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ thì sẽ không tránh khỏi những hiểu lầm, rồi điều gì đến cũng sẽ đến. Chính sự cởi mở giữa hai bên sẽ giúp giải tỏa mọi vướng mắc trong quan hệ lao động. Thông qua đối thoại, công ty từng bước cải thiện chính sách chăm lo cho NLĐ, như hỗ trợ NLĐ nuôi con nhỏ, thăm hỏi, tặng quà cho CN khó khăn, tổ chức chương trình bốc thăm trúng thưởng..." - ông Tiến nói.
Một vụ ngừng việc tập thể xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Đừng làm tổn thương quan hệ lao động
Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ TCLĐ tập thể, ngừng việc tại 18 DN (tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2021), trong đó 17 vụ xảy ra ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài và 1 vụ xảy ra tại DN có vốn đầu tư trong nước, với trên 10.000 lao động tham gia.
Ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết nếu như cùng kỳ năm 2021, các vụ TCLĐ tập thể, ngừng việc nguyên nhân chủ yếu là do người sử dụng lao động (NSDLĐ) chậm thanh toán tiền lương, chậm thông báo việc chi trả tiền lương, tiền thưởng Tết thì trong những tháng đầu năm 2022, nguyên nhân lớn nhất là do NSDLĐ không nâng lương hoặc nâng lương chưa đúng theo mức đã thỏa thuận (13/18 vụ). Bên cạnh yêu cầu nâng lương, NLĐ còn đề nghị NSDLĐ xem xét tăng mức hỗ trợ chuyên cần, xăng xe, cải thiện bữa ăn ca...
"Nhìn chung, các vụ TCLĐ tập thể, ngừng việc xảy ra đều tự phát, không tuân thủ trình tự pháp luật; thời gian diễn ra tranh chấp ngắn nhất là nửa ngày và dài nhất khoảng 6 ngày. Nhiều nội dung mà NLĐ kiến nghị, đề xuất chỉ được NSDLĐ đáp ứng một phần, thậm chí có DN từ chối giải quyết với lý do đang gặp khó khăn" - ông Khánh cho hay.
Từ thực tế này, ông Khánh cho rằng dùng biện pháp ngừng việc tập thể, đình công để giải quyết những mâu thuẫn giữa NLĐ và chủ DN không phải là giải pháp tối ưu. Đình công, ngừng việc tập thể dù đúng hay không đúng theo quy định của pháp luật, đều làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, gây thiệt hại về vật chất cho DN, làm tổn thương mối quan hệ lao động giữa NLĐ và NSDLĐ.
Để phòng ngừa, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn dù là nhỏ nhất, các bên cần chủ động ngồi lại với nhau để tìm cách dung hòa lợi ích. Về phía NLĐ cũng phải chia sẻ khó khăn cùng DN, từ đó chung tay xây dựng quan hệ lao động hài hòa.
Qua thực tiễn hoạt động, ông Trần Thanh Vân, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Bình Dương, cho rằng các Công đoàn cơ sở cần quan tâm đến việc đào tạo kỹ năng thương thảo, đàm phán cho đội ngũ cán bộ Công đoàn. Về phía DN, cần tạo điều kiện thuận lợi cho Công đoàn hoạt động. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành khi tranh chấp mới phát sinh, các thành viên tham gia giải quyết phải có đủ trình độ, năng lực chuyên môn về pháp luật lao động.
Quan trọng nhất là kịp thời nắm bắt thông tin, đặc biệt tâm tư nguyện vọng của CN để có hướng giải quyết, giải thích, tuyên truyền. Từ đó, phối hợp chặt chẽ cùng ban chấp hành Công đoàn cơ sở chủ động bàn bạc, thỏa thuận với NSDLĐ giải quyết những yêu cầu hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Ông NGUYỄN THÀNH TRUNG, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương:
Xử nghiêm doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động
Các cuộc ngừng việc tập thể, đình công xảy ra không chỉ gây mất an ninh trật tự địa phương và làm xấu đi môi trường đầu tư mà còn khiến hình ảnh một tỉnh Bình Dương thân thiện mất đi. Do vậy, ngăn ngừa TCLĐ, cơ quan quản lý nhà nước về lao động phải thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình thực hiện pháp luật lao động của DN. Qua đó, phát hiện và kịp thời chấn chỉnh khi các DN không biết hoặc biết nhưng cố tình thực hiện sai các quy định của pháp luật lao động.
Bình luận (0)