Trước hết, xin chúc mừng ông được Tổng LĐLĐVN giao trọng trách Phụ trách Ban quan hệ lao động (QHLĐ). Với nhiệm vụ mới, Ban QHLĐ cần chuẩn bị những gì trong thời gian trước mắt, thưa ông?
- Ông Nguyễn Duy Vy: Việc Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định thành lập Ban QHLĐ chứng tỏ tầm quan trọng chiến lược của công tác này đối với tổ chức CĐ trong giai đoạn hiện nay và cả những năm sắp tới. Theo đề án của Đảng đoàn Tổng LĐLĐVN trình Ban Bí thư T.Ư Đảng và Ban Tổ chức T.Ư, ban sẽ có khoảng 16 đến 18 cán bộ. Tuy nhiên, hiện toàn ban mới chỉ có 13 cán bộ, thiếu khoảng 5 người so với yêu cầu. Việc bổ sung đủ cán bộ có năng lực, trình độ và tâm huyết với mảng công việc này là hết sức cần thiết. Tới đây, khi có hàng loạt công việc mới cần được triển khai mà ban vẫn thiếu nhân lực như hiện tại sẽ hết sức khó khăn.Vì thế, đây là yêu cầu hàng đầu, cần được Thường trực Đoàn Chủ tịch, Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam quan tâm giải quyết, tuyển chọn bổ sung những cán bộ có khả năng đảm đương nhiệm vụ về công tác pháp luật, về QHLĐ, để phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo phong trào ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, Ban cũng sẽ đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu, hướng dẫn thêm một số vấn đề cơ chế tài chính phục vụ việc triển khai nhiệm vụ về QHLĐ, bởi đây cũng là yếu tố rất quan trọng góp phần quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ của lĩnh vực công tác này.
Cán bộ chuyên trách LĐLĐ quận 12, TP HCM, tham gia giải quyết một vụ ngừng việc ẢNH: MAI CHI
Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, hướng tới mục tiêu bảo vệ CNLĐ tốt hơn và góp phần nâng cao vị thế của tổ chức CĐ là một nhiệm vụ quan trọng. Về mối QHLĐ, cần phải chú trọng thực hiện những gì, thưa ông?
- Về kế hoạch, nhiệm vụ của năm 2014, chúng tôi đã xây dựng từ đầu năm, thời còn Ban Chính sách pháp luật. Nhưng quan trọng nhất, ban căn cứ vào những nội dung công việc đã được xác định rõ trong đề án của Tổng LĐLĐ Việt Nam để triển khai nhiệm vụ. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình cụ thể, chúng tôi dự định trong năm nay, ban sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ lớn. Uu tiên hàng đầu vẫn là hoàn thiện cơ chế tư vấn, trợ giúp pháp lý mới. Đây là nhiệm vụ quan trọng bởi hiện tại công nhân lao động (CNLĐ), nhất là CNLĐ ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước đang rất cần được tư vấn, trợ giúp kiến thức pháp luật. Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là tập trung tham gia xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp (DN). Để thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi sẽ chủ động tham mưu giúp cấp trên ban hành chương trình hành động của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong năm nay. Thực tế hiện nay, tuy số lượng vụ đình công, ngừng việc tập thể của công nhân (CNLĐ) có giảm so với thời gian trước, nhưng sự “im ắng” đó thực sự vẫn tiềm ẩn những mâu thuẫn phát sinh trong QHLĐ và các vụ việc về tranh chấp lao động có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Vì vậy, tổ chức CĐ cần quan tâm sâu sắc, vào cuộc quyết liệt hơn để vừa bảo vệ NLĐ thực sự hiệu quả, vừa giúp các ổn định, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
Nhiệm vụ thứ ba cũng quan trọng không kém là tập trung thúc đẩy nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Về vấn đề này, chúng tôi sẽ nghiên cứu tham mưu với Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng về TƯLĐTT. Thứ tư, chúng tôi sẽ chỉ đạo các cấp CĐ nắm bắt chắc tình hình, tham gia giải quyết nhanh, dứt điểm các vụ tranh chấp LĐ, đình công, ngừng việc tập thể theo hướng đảm bảo sự hài hòa, ổn định về QHLĐ trong DN. Nhiệm vụ cuối cùng là tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật LĐ, nhất là thực hiện Luật BHXH của các DN; từ đó có những kiến nghị với các cơ quan chức năng để đưa ra giải pháp nhanh chóng khắc phục tình trạng vi phạm nghiêm trọng việc thu nộp BHXH, vừa gây tổn thất cho quỹ BHXH, vừa làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của CNLĐ.
Ngoài ra, chúng tôi còn có kế hoạch đón bắt sự ra đời của Luật Tố tụng LĐ (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2015); từng bước chuẩn bị lực lượng cán bộ đủ khả năng trực tiếp tham gia tố tụng trước Tòa án LĐ, để bảo vệ CNLĐ khi phải đưa các vụ việc của họ ra tòa.
Bình luận (0)