Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng BHXH một lần. Khoảng 10% lao động rút một lần có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên.
Trong Dự thảo BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Xung quanh đề xuất này, bạn đọc Lê Thái Sơn góp ý: "Không thể gom chung người lao động (NLĐ) ngoài nhà nước và NLĐ ăn lương nhà nước vào một mối, bởi tỉ lệ rút BHXH một lần hơn 90% là người lao động ngoài nhà nước. Rõ ràng như vậy mà Bộ LĐ-TBX-H không chịu nhìn nhận vấn đề này. Cứ đưa ra những lý do ở tầm vĩ mô, trong khi NLĐ cần điều gì thì không chịu thấu hiểu. Một điều chắc chắn rằng nếu cứ tiếp tục như thế này thì NLĐ họ sẽ rút BHXH một lần càng cao cho mà xem. Hãy nhìn nhận thực tế bây giờ công việc rất rất khó duy trì cho NLĐ sau tuổi 45-50".
Cùng góc nhìn, theo một bạn đọc tên Chinh, cần minh bạch, hiệu quả và bình đẳng giữa các thành phần người tham gia thì mới giải quyết tận gốc vấn đề rút BHXH1 lần. Bạn đọc Nguyễn Chí Thành hài hước: "Tôi đố các bác kiếm được người anh em công nhân nào 62 tuổi mà còn làm việc trên công trường trên toàn lãnh thổ Việt Nam". Bạn đọc Trần Minh Phú đề xuất: "Tuổi hưu phải xây dựng đa tầng không nên cào bằng giữa lao động phổ thông và nhân viên công chức... lao động phổ thông mà quy định 60 - 62 tuổi thì người trẻ tuổi sẽ rút BHXH một lần. Ít có công ty tư nhân nào mà để NLĐ làm đến 60 tuổi". Bạn đọc Đoàn Tuấn Khải đặt câu hỏi: "38-42 tuổi nếu lĩnh lương có đủ sống không? Nếu người lao động còn sức khỏe, có việc làm phù hợp chẳng ai lại muốn lĩnh 45% lương đâu. Chẳng qua là hết cách rồi người lao động mới phải chịu thôi".
Bạn đọc Nguyễn Thanh Bình phân tích: "Cái băn khoăn nhất của người lao động là từ khi sức khỏe yếu không làm được nữa đến lúc được hưởng lương hưu càng dài thì càng bi quan.nên rút BHXH 1 lần là cách đơn giản và hiệu quả nhất. Theo tôi, việc giảm thời gian đóng không ý nghĩa vì cũng chỉ được hưởng theo tỉ lệ phần trăm. Cái người lao động mong chờ nhất là giảm tuổi hưu và đây là cách tốt nhất để giữ chân người lao Động ở lại hệ thống an sinh".
Nhiều bạn đọc cho rằng giảm số năm tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí chưa hẳn đã là giải pháp tối ưu để giữ NLĐ ở lại với hệ thống. Theo nhiều bạn đọc, cùng với chế độ hưu trí, BHXH nên xây dựng chế độ trợ cấp BHXH hoặc chế độ trợ cấp người cao tuổi. Chế độ hưu trí áp dụng cho người tham gia BHXH đã đủ số năm tối thiểu và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Chế độ trợ cấp BHXH hoặc trợ cấp người cao tuổi áp dụng cho người tham gia BHXH khi đã đủ số năm tham gia tối thiểu nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động 2019. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh cách tính tỉ lệ được hưởng lương hưu để làm sao lương hưu phải đảm bảo được mức sống tối thiểu của người hưởng lương hưu.
Bình luận (0)