Liên tiếp trong các ngày qua, các đoàn công tác của LĐLĐ TP HCM đã đến thăm và tôn vinh 25 doanh nghiệp (DN) chăm lo tốt đời sống người lao động (NLĐ) trong chương trình "Đồng hành cùng DN" năm 2020. Điểm chung ở các đơn vị này là dù chịu tác động không nhỏ bởi dịch Covid-19 song chủ sử dụng lao động vẫn nỗ lực ổn định việc làm cùng tiền lương và phúc lợi cho NLĐ.
Xoay xở mọi cách
Một trong những DN điển hình là Công ty TNHH Giấy A.F.C (chuyên sản xuất giấy cuộn carton; huyện Bình Chánh).
Dịch Covid-19 khiến công ty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu. Thế nhưng, ban giám đốc vẫn cố gắng xoay xở mọi cách để giữ việc làm ổn định cho 176 lao động. Chính nỗ lực này của ban giám đốc đã giúp công nhân (CN) không chỉ có việc làm thường xuyên với thu nhập bình quân 7,3 triệu đồng/tháng mà vẫn được hưởng các phúc lợi khác, như: tiền cơm giữa ca (20.000 đồng/suất), phụ cấp xăng xe (500.000 đồng/người/tháng), chuyên cần (1 triệu đồng/người/tháng).
Ngoài ra, DN còn hỗ trợ cho CN có hoàn cảnh khó khăn, tri ân NLĐ cống hiến đủ 15 năm… Lý giải về chính sách chăm lo, ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Giấy A.F.C, bày tỏ: "Dịch bệnh xảy ra là điều không ai mong muốn. Với trách nhiệm của mình, ban giám đốc luôn nỗ lực hết sức để ổn định việc làm, thu nhập cho NLĐ, bởi vì chúng tôi biết được sau lưng mỗi NLĐ là một gia đình".
Ông Trần Vũ Hồng Tâm, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết là một DN nhỏ, ít lao động nhưng ban giám đốc và Công đoàn cơ sở đã chăm chút cho NLĐ từ những điều nhỏ nhất. "Ngoài lương tháng 13, thỏa ước lao động tập thể của công ty còn quy định các khoản khen thưởng, thăm hỏi ma chay, hiếu hỷ cho NLĐ, bình quân từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng/người. Tết năm nào cũng vậy, ban giám đốc đều hỗ trợ vé xe cho CN về quê từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/người. Chính sách chăm lo căn cơ này đã giúp giữ chân NLĐ lâu dài" - ông Tâm nói.
Tương tự, tại Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dù chịu tác động không nhỏ bởi dịch bệnh song ban giám đốc vẫn cố gắng duy trì mức thu nhập bình quân 10,4 triệu đồng/người/tháng, tiền cơm giữa ca (40.000 đồng/suất). Ông Nguyễn Đình Nam, tổng giám đốc công ty, cho hay: "Trong suốt mùa dịch, ban giám đốc làm mọi cách để duy trì việc làm và bảo đảm thu nhập cho NLĐ. Chia sẻ khó khăn cùng DN, tập thể lao động đã có rất nhiều sáng kiến, hiến kế trong khâu tiếp thị, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tinh thần cộng đồng trách nhiệm này đã giúp DN vượt qua khó khăn và phát triển".
Người lao động Công ty CP Sài Gòn Food tham gia lớp học tại doanh nghiệp
Đào tạo nghề cho công nhân
Thăm Công ty CP Sài Gòn Food (sản xuất - kinh doanh thực phẩm chế biến; KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP HCM), lãnh đạo LĐLĐ TP rất phấn khởi khi nghe ban giám đốc công ty thông tin trong dịch Covid-19, gần 2.000 NLĐ không phải nghỉ việc ngày nào, thậm chí còn được tăng thu nhập. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều CN còn khoe khi dịch Covid-19 tạm lắng, ban giám đốc đã tổ chức cho toàn thể NLĐ đi nghỉ mát tại Phan Thiết 3 ngày.
Ông Nguyễn Quang Tường, tổng giám đốc công ty, nhìn nhận dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều DN ngành thực phẩm lao đao, phải tạm ngừng hoạt động. Thế nhưng, đơn hàng của Công ty CP Sài Gòn Food vẫn đều đặn. Có được kết quả đó là nhờ ban giám đốc luôn chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào và ổn định được thị trường tiêu thụ. Với nỗ lực ấy, công ty đã bảo đảm thu nhập bình quân cho CN 7,6 triệu đồng/tháng, đồng thời duy trì các khoản hỗ trợ thêm như: tiền cơm giữa ca (19.800 đồng/suất), tiền chuyên cần (200.000 đồng/tháng), xăng xe (500.000 đồng/người/tháng), nhà trọ (200.000 đồng/tháng).
Chưa dừng lại đó, để nâng cao tay nghề cho NLĐ, ban giám đốc công ty và Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ (Phân hiệu TP HCM) còn phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng chế biến thủy sản (hệ trung cấp) tại DN. Cùng với chương trình đào tạo trung cấp, Công ty CP Sài Gòn Food còn mở lớp đào tạo kỹ năng, như quản lý, giao tiếp, tư duy sáng tạo… dành cho các cấp quản lý từ cơ sở đến cao cấp, giúp họ giải quyết các vấn đề trong nội bộ, tự tin trong giao tiếp và đào tạo lớp quản lý kế thừa.
Đặc biệt, Sài Gòn Food đưa cả hệ sinh thái Mentoring (truyền cảm hứng) vào đào tạo đội ngũ kế thừa, mỗi quản lý cấp cơ sở được cố vấn bởi một lãnh đạo cao cấp trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm, nhờ vậy, đội ngũ trẻ tiềm năng được học hỏi, phát triển từ chính kinh nghiệm của lãnh đạo đi trước, ứng dụng hiệu quả để đạt những thành công cao hơn. Anh Nguyễn Đức Hòa, một học viên tốt nghiệp lớp học, bộc bạch: "Với CN, đi học được là cả một quá trình vượt khó. Tôi cảm thấy may mắn vì công ty mở lớp miễn phí, thầy cô đến tận nơi dạy nên cố gắng theo đuổi". Sau khi hoàn thành khóa học, anh Hòa đã được bố trí lên vị trí điều hành. Trong năm 2019, DN đã đào tạo 635 lượt lao động với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng; nâng lương, nâng bậc cho 570 NLĐ.
Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Chăm sóc công nhân thực tâm
25 DN được tuyên dương trong chương trình "Đồng hành cùng DN" năm 2020 dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng vẫn không cắt giảm lao động mà vẫn giữ nguyên lương, phúc lợi cho NLĐ. Nỗ lực ấy của các DN rất đáng được trân trọng, tôn vinh. Ở các DN nói trên, đoàn viên - lao động cũng thể hiện được tinh thần đồng hành, sẵn lòng chia sẻ và hỗ trợ người sử dụng lao động vượt qua khó khăn.
Bình luận (0)