Đây chỉ là một trong những hoạt động chăm lo cho người lao động mà Công đoàn (CĐ) phối hợp cùng với ban giám đốc công ty thực hiện từ nhiều năm qua.
Toàn bộ lao động đều có cổ phần
Tiền thân của Công ty Cổ phần TIE (chính thức hoạt động từ tháng 8-2004) là Công ty sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu điện, điện tử quận 10. Khi bắt đầu tiến hành cổ phần hóa vào đầu năm 2004, do chưa hiểu rõ chủ trương, lợi ích của cổ phần hóa, CN-LĐ trong công ty không khỏi có những dao động vì lo ngại việc làm, thu nhập, quyền lợi không được bảo đảm. Để giải tỏa tâm lý đó, CĐ chủ động sưu tầm tài liệu về cổ phần hóa phát cho người lao động tìm hiểu. Để người lao động nhận thức rõ hơn, CĐ đề xuất ban giám đốc công ty mời các chuyên gia đến phân tích, làm rõ thắc mắc của người lao động và tư vấn thêm những lợi ích khi cổ phần hóa. Kết quả, ngoài số cổ phần ưu đãi, 100% người lao động trong công ty đều tham gia mua cổ phần thường với tổng số tiền gần 19 tỉ đồng, chiếm 21% cổ phần doanh nghiệp. Điều đáng mừng, sau khi cổ phần hóa 6 tháng, giá trị cổ phiếu của công ty đã tăng 75% và CNLĐ ngoài lương còn được hưởng cổ tức 13,5%. Bà Trần Thị Bé Ba, Bí thư Chi bộ công ty, nói: “Chính CĐ đã giúp cho người lao động trở thành người chủ của doanh nghiệp”.
Hơn 2,1 tỉ đồng hỗ trợ người mất việc
Như nhiều doanh nghiệp khác, Công ty Cổ phần TIE cũng có những thời điểm thăng trầm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giữa năm 2003, công ty gặp khó khăn bắt buộc phải cắt giảm lao động. Để giảm bớt khó khăn cho người lao động, CĐ công ty đã đề xuất ban giám đốc dùng toàn bộ quỹ phúc lợi hơn 2,1 tỉ đồng chia cho những lao động phải nghỉ việc. Lúc đầu, cũng có ý kiến phản đối vì cho rằng quỹ phúc lợi là quyền lợi của cả tập thể, nếu chỉ chia cho những người phải nghỉ việc thì một số người khác thiệt thòi. Với quan điểm “người còn được ở lại làm việc sẽ còn có thu nhập, trong lúc người mất việc sẽ khó khăn”, các cán bộ CĐ của công ty đã chia nhau đi vận động, thuyết phục số lao động không bị cắt giảm việc làm. Cuối cùng, ban giám đốc và tập thể lao động đều đồng ý với đề xuất này. Trong số 90 người phải nghỉ việc, tùy theo thâm niên làm việc, người nhiều nhất được hưởng 45 triệu đồng, người ít cũng hơn 10 triệu đồng. Ngoài số tiền trên, người lao động cũng còn được hưởng đầy đủ trợ cấp mất việc. Anh Nguyễn Văn Đức, người được nhận 45 triệu đồng, nói: “Dù phải nghỉ việc là điều không vui, nhưng sự quan tâm của ban giám đốc và CĐ đã thực sự an ủi chúng tôi”. Không những thế, khi doanh nghiệp đã ổn định và phát triển sản xuất trở lại, CĐ đã đề xuất ban giám đốc công ty tiếp nhận lại 10 lao động phải nghỉ việc trước đây.
Quan tâm đào tạo tay nghề người lao động
Gặp chúng tôi, Chủ tịch CĐ Công ty Cổ phần TIE Nguyễn Kim Tuấn phấn khởi thông báo, doanh số năm 2004 của công ty đạt 390 tỉ đồng, tăng hơn 65 tỉ đồng so với 2003. Ông Hà Thanh Hùng, tổng giám đốc công ty, nhìn nhận: “Sự thành công trong sản xuất, kinh doanh của công ty có phần đóng góp không nhỏ của CĐ”. Ăn nên làm ra, công ty có điều kiện chăm lo ngày càng tốt hơn cho CNLĐ. Thu nhập bình quân của 175 lao động (170 đoàn viên CĐ) đạt 3 triệu đồng/người/tháng; 100% CNLĐ trong đơn vị đều được giao kết hợp đồng lao động sau thời gian thử việc, được tham gia đầy đủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; người lao động khó khăn được hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượt...
Xác định việc chăm lo cho người lao động trong giai đoạn hiện nay là phải nâng cao trình độ tay nghề, học vấn, CĐ công ty còn chủ động đề xuất với ban giám đốc tổ chức nhiều lớp đào tạo tại chỗ, một số lao động giỏi được đưa đi đào tạo ở nước ngoài. Cũng từ chương trình này, nhiều người lao động trong công ty đã trưởng thành và trở thành cán bộ chủ chốt.
Bình luận (0)