Tăng đối thoại tại các doanh nghiệp ngành gỗ Tuân thủ pháp luật lao động |
Hơn 70% doanh nghiệp ngành gỗ có vi phạm
Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Nguyễn Văn Cảnh cho hay, từ tháng 12-2018 đến nay, thanh tra Sở đã tiến hành thanh tra tại 30 doanh nghiệp chuyên ngành gỗ trong tỉnh. Qua thanh tra cho thấy có đến hơn 70% số doanh nghiệp có vi phạm và bị xử phạt hành chính.
Vi phạm phổ biến nhất là các doanh nghiệp tổ chức cho người lao động làm thêm giờ quá quy định của pháp luật (Công ty TNHH Timber Industries, vốn Đài Loan (Trung Quốc), Khu công nghiệp (KCN) Tam Phước, TP.Biên Hòa; Công ty TNHH Hyundai Livart Vina, KCN Amata, TP.Biên Hòa; Công ty TNHH nội thất Khang Vy (huyện Trảng Bom); Chi nhánh Công ty TNHH Poh Huat Việt Nam, Công ty cổ phần B.U.I. Furniture, đều ở KCN Tam Phước, TP.Biên Hòa).
Ngoài ra, còn một số vi phạm khác như doanh nghiệp có ký kết hợp đồng lao động với người lao động nhưng nội dung thỏa thuận chưa đầy đủ, cụ thể; hoặc không ký hợp đồng lao động mà chỉ thỏa thuận bằng miệng với người lao động; chưa chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động trong thời gian không tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cơ chế đối thoại tại doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức.
Về tuân thủ quy định của pháp luật liên quan đến bảo hiểm xã hội, các doanh nghiệp vi phạm nhiều nhất là giải quyết chế độ cho người lao động không kịp thời, không thỏa thuận trả vào lương khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Các doanh nghiệp vi phạm nhiều nhất là giải quyết chế độ cho người lao động không kịp thời
Về tuân thủ quy định pháp luật an toàn vệ sinh lao động, các sai phạm thường gặp là không thực hiện quan trắc môi trường lao động (Công ty TNHH một thành viên Mai Hương Phát, huyện Long Thành, Công ty TNHH gỗ Hạnh Phúc, KCN Tam Phước, TP.Biên Hòa); doanh nghiệp chưa phân loại hoặc phân loại chưa đầy đủ số lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm dẫn đến việc thực hiện chế độ cho người lao động và tổ chức huấn luyện về công tác an toàn vệ sinh lao động không đầy đủ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động hoặc có trang bị nhưng chưa có biện pháp yêu cầu người lao động sử dụng; chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc tổ chức khám sức khỏe chưa đủ cho người lao động (Công ty TNHH Hyundai Livart Vina, Công ty TNHH nội thất Khang Vy); chưa lập hồ sơ sức khỏe bệnh tật cho người lao động theo quy định; không bố trí người làm công tác y tế để chăm lo sức khỏe tại chỗ cho người lao động.
Nguyên nhân đến từ nhiều phía
Ðồng Nai là một trong 2 địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ gỗ và xuất khẩu gỗ mạnh nhất cả nước với hơn một ngàn doanh nghiệp, thu hút 50-60 ngàn lao động, tập trung chủ yếu ở TP.Biên Hòa, huyện Trảng Bom, huyện Vĩnh Cửu.
Ngoài 30-40 doanh nghiệp có quy mô lao động trên 1 ngàn lao động, hơn 50 doanh nghiệp có quy mô từ vài trăm đến 1 ngàn lao động, còn lại là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đa phần người lao động làm việc trong ngành gỗ đến từ khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp nên chấp nhận làm việc mà không phải ký kết hợp đồng lao động với chủ doanh nghiệp, chấp nhận làm việc trong môi trường không đảm bảo an toàn và chấp nhận làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập
Ngoài 30-40 doanh nghiệp có quy mô lao động trên 1 ngàn lao động, hơn 50 doanh nghiệp có quy mô từ vài trăm đến 1 ngàn lao động, còn lại là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đa phần người lao động làm việc trong ngành gỗ đến từ khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp nên chấp nhận làm việc mà không phải ký kết hợp đồng lao động với chủ doanh nghiệp, chấp nhận làm việc trong môi trường không đảm bảo an toàn và chấp nhận làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập.
Bà Lê Thị Tiên (tạm trú phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) cho hay, do điều kiện gia đình quá khó khăn nên cách đây vài năm, vợ chồng bà và 2 người con khăn gói rời Cà Mau lên Đồng Nai tìm kiếm công việc. Do không biết chữ, không xin được việc làm tại các công ty nên vợ chồng bà xin vào làm thuê cho một xưởng gỗ ở phường Tân Hòa và dựng lán tạm bợ trong khuôn viên xưởng gỗ để ở. Giữa bà và chủ xưởng không ký hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm, chỉ thỏa thuận tiền công hằng tháng bằng miệng.
Ngoài nguyên nhân chủ quan từ phía người lao động còn phải kể đến nguyên nhân từ phía người sử dụng lao động. Do áp lực đơn hàng, tuyển dụng lao động khó nên nhiều chủ doanh nghiệp dù nắm luật nhưng vẫn cố tình tổ chức cho người lao động hiện có của công ty làm thêm giờ sai quy định. Ngược lại, do mức lương cơ bản chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu nên nhiều lao động sẵn sàng chấp nhận làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập. Lực lượng cán bộ làm công tác thanh, kiểm tra còn mỏng, mức xử phạt các doanh nghiệp vi phạm còn thấp nên tính răn đe chưa cao.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, việc vi phạm pháp luật lao động trong ngành gỗ nói riêng và trong tất cả các ngành nghề khác nói chung không những ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của người lao động mà còn làm giảm năng suất lao động, giảm tính cạnh tranh của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ ở cả thị trường trong nước và trên thế giới.
Người lao động làm việc tại một doanh nghiệp chuyên ngành gỗ trên địa bàn tỉnh. ảnh: H.DUNG
Tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ðại diện Sở LĐ-TB-XH hội cho biết, dựa trên những kết quả đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp chuyên ngành gỗ, từ đầu năm 2019, Sở đã gửi phiếu tự kiểm tra cho các doanh nghiệp báo cáo. Thông qua việc tự báo cáo, đối chiếu với những tiêu chí theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp sẽ biết được thiếu sót của đơn vị mình để chủ động khắc phục.
Ngoài ra, Sở cũng đã tổ chức 4 hội thảo để tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, chia sẻ những lỗi vi phạm mà các doanh nghiệp thường mắc phải, giải đáp những thắc mắc của các doanh nghiệp để hướng dẫn các doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành.
Trong số 60 doanh nghiệp sẽ tiến hành thanh tra trong Chiến dịch thanh tra lao động năm 2019, Sở LĐ-TB-XH lựa chọn 5 doanh nghiệp để tư vấn trực tiếp về các nội dung: thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, ký kết hợp đồng lao động, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên mạng xã hội, phát tờ rơi, tờ bướm để doanh nghiệp tuyên truyền cho người lao động. “Trọng tâm của chiến dịch thanh tra lao động năm nay là thanh tra trực tiếp các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc khối dân doanh và nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là nhóm doanh nghiệp còn nhiều hạn chế trong việc thực thi pháp luật lao động” - ông Nguyễn Văn Cảnh, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH cho hay.
Tất cả kết luận thanh tra lao động ngành gỗ trên địa bàn tỉnh sẽ được Sở LĐ-TB-XH báo cáo với Bộ LĐ-TB-XH để công khai bằng nhiều hình thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ở cấp độ địa phương, cũng tiến hành công khai các lỗi vi phạm của các doanh nghiệp thông qua bảng tin của doanh nghiệp và đưa lên website của Sở LĐ-TB-XH.
Chiến dịch Thanh tra Lao động năm 2019 do Bộ LĐ-TB-XH chủ trì phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp ngành gỗ thực hiện có chủ đề Tuân thủ pháp luật lao động để phát triển bền vững ngành chế biến gỗ được triển khai tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Kể từ năm 2015, đây là lần thứ 5 chiến dịch được tổ chức. Trước đó, các chiến dịch thanh tra lao động tập trung vào các ngành may mặc, xây dựng, điện tử, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng.
Bình luận (0)