Trong nhiều cuộc điều tra thu thập thông tin về chỉ tiêu lao động và việc làm, bao gồm những cuộc điều tra thuộc ngành thống kê và các ngành khác, chỉ có cuộc điều tra mẫu về lao động và việc làm hằng năm, được thực hiện từ năm 1995 đến nay do Bộ LĐ-TB-XH tiến hành, cung cấp được số liệu lao động và việc làm định kỳ.
Người lao động không muốn bỏ thời gian sản xuất để tham gia khảo sát lao động
Doanh nghiệp không mặn mà
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi), cho biết để phân tích về diễn biến thị trường lao động TP, bên cạnh nguồn thống kê từ các sở, ngành, địa phương, Falmi còn khảo sát nhu cầu học nghề và việc làm của 15.000 người lao động (NLĐ)/tháng; đồng thời mỗi năm thu thập thông tin tuyển dụng ở 3.000 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP HCM.
"Những điều tra, khảo sát làm cơ sở dự báo nhân lực phục vụ chuyển dịch cơ cấu các ngành nghề kinh tế, cũng như hoạch định chính sách giải quyết việc làm còn ít. Hoạt động thống kê, điều tra lao động chưa đáp ứng yêu cầu; quy mô nhỏ, phân tán; kết quả thống kê chưa được phục vụ tốt cho công tác dự báo" - ông Tuấn nhìn nhận.
Nhận xét mảng điều tra, khảo sát thị trường lao động còn yếu, bà Nguyễn Thị Ngọc Thu, đại diện Công ty TNHH Nước uống tinh khiết Sài Gòn - Sapuwa (quận Gò Vấp, TP HCM), cho rằng những đợt khảo sát không thường xuyên do các ban, ngành chức năng tổ chức thực sự làm khó DN. "Các mẫu khảo sát thường dài, phức tạp. Nhiều bảng điều tra yêu cầu DN trả lời những câu hỏi không cần thiết, rất mất thời gian. Do đó, nhiều DN nản chí khi tiến hành làm khảo sát" - bà Thu giải thích.
Chị N.T.H, công nhân Công ty TNHH Bút bi Quyky, vừa tham gia một cuộc khảo sát ngẫu nhiên do Falmi tổ chức. Chị nhận xét: "Với công nhân có trình độ thấp như tôi, việc trả lời đầy đủ và chính xác các câu hỏi trong bảng là bất khả thi. Có nhiều câu hỏi tôi không hiểu nên phải bỏ qua".
Dữ liệu chưa chính xác
Việc NLĐ và DN bất hợp tác là một trong những nguyên nhân khiến kết quả khảo sát lao động không như mong muốn. Theo bà Phạm Ngọc Kim Huyền, cán bộ Falmi, hầu như các DN nhỏ và vừa đều từ chối tiếp xúc với nhân viên điều tra. Các bảng khảo sát có một số nội dung mà DN cho là "nhạy cảm" như doanh thu, mức thu nhập của nhân viên…
"Nhiều DN còn khai man thông tin, gây trở ngại cho việc thống kê số liệu. Đây là nguyên nhân chính khiến kết quả khảo sát lao động còn nhiều thiếu sót, không đúng với tình hình tuyển dụng, sử dụng lao động tại DN" - bà Huyền nhìn nhận.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh, điều tra viên của Falmi, cũng cho rằng việc hạn chế về kinh phí thực hiện là một trong những nguyên nhân khiến công tác này gặp nhiều vướng mắc. Rất ít NLĐ muốn bỏ phí thời gian lao động để làm khảo sát "không công". Trong khi đó, trong các cuộc khảo sát tại DN, chi phí bồi dưỡng cho NLĐ tham gia còn quá ít...
Sẽ tăng cường khảo sát Ông Trần Anh Tuấn cho biết để nâng cao hiệu quả dự báo nhân lực, sắp tới, Falmi sẽ tăng cường khảo sát tình hình tuyển dụng, sử dụng lao động tại DN định kỳ 6 tháng/lần; hình thành bộ phận khảo sát trực tiếp tại DN (ít nhất 5.000 DN/ năm). Ngoài ra, trung tâm sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thiết lập niên giám DN, tạo nguồn ổn định khi tiến hành thu thập thông tin; tích cực phát triển hoạt động marketing, tạo quan hệ với DN về thông tin thị trường lao động. |
Bình luận (0)