Tôi mời ông giám đốc trực tiếp đến trung tâm để trao đổi và bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ. Ngồi nói chuyện 15 phút, tôi biết ngay nguyên nhân dẫn đến tình trạng “hỗn quan, hỗn quân” ở công ty của ông. Mười phần thì hết chín mọi việc xuất phát từ cách hành xử của giám đốc và “tay chân” của ông. Tôi để ý thấy những câu nói của ông cứ liên tục chêm “tiếng Đan Mạch” (văng tục, chửi thề). Ông đặc biệt dùng nhiều từ ngữ miệt thị khi nói đến người lao động của mình: “tụi nó”, “bọn chúng”, “cái lũ đó”...
Ông kể tôi nghe về chuyện xảy ra ở công ty dẫn đến chuyên gia nước ngoài và quản đốc xưởng bị hành hung. Hôm đó, cô kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên thi đấu. Để bày tỏ sự ủng hộ, một số công nhân quê miền Tây cắm những cây cờ Tổ quốc nho nhỏ trên bàn làm việc. Chuyên gia và quản đốc thấy vậy đã gom hết đem cất. Đến chiều, những lá cờ lại xuất hiện. Lần này, quản đốc và chuyên gia nước ngoài vừa gom cờ vừa mắng nhiếc công nhân là “đồ lỗ tai trâu”. Giọt nước tràn ly. Ngay tối ấy, mấy vị này vừa rời khỏi công ty là bị đập!
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Mấy anh nói công nhân ít học nên cư xử thô lỗ, thế còn các anh thì sao? Cán bộ quản lý mà như thế thì chỉ làm gương xấu cho công nhân. Về sửa đổi bản thân đi rồi mới tính đến chuyện giáo dục công nhân, còn không thì có khi sẽ tới lượt anh bị đánh vì cũng hay chửi thề, văng tục bạt mạng” - tôi nói thẳng. Ông giám đốc có vẻ không hài lòng. Tuy vậy, nể tình tôi là người làm trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần của người lao động nên ông miễn cưỡng: “Để về tính lại coi sao”.
Nghe đâu ông đã họp cán bộ quản lý, mời một chuyên gia có tiếng về tâm lý đến nói chuyện và tư vấn ban hành một số quy định về văn hóa doanh nghiệp. Ba hôm trước, ông gọi điện cho tôi, cười hề hề: “Tình hình giờ đỡ hơn nhiều rồi. Đúng là anh em tuy ít học hơn mình nhưng cũng biết phải trái. Mình cư xử đàng hoàng với họ thì họ cũng cư xử đàng hoàng với mình. Đơn giản vậy mà không biết!”.
Đúng là đơn giản thật!
Bình luận (0)