“Khi sang nhượng công ty cho chủ mới, lãnh đạo không thông báo cụ thể khi nào sẽ chốt sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho công nhân (CN). Chúng tôi liên hệ cơ quan BHXH thì được biết công ty cũ còn nợ đọng cả tỉ đồng BHXH. Hiện giám đốc công ty đã biệt tăm, chúng tôi không biết làm sao để đòi quyền lợi”. Đây là nội dung kêu cứu của hàng trăm CN Công ty Thanh Phong Vina (100% vốn Hàn Quốc, huyện Hóc Môn- TPHCM) trong đơn gửi các cơ quan chức năng ở huyện mới đây.
Nợ rồi... lơ luôn
Tương tự là tình cảnh của CN Công ty TNHH Gia Thuần. Đầu tháng 7-2011, khi sang nhượng lại cho chủ khác, công ty cũng không đả động gì đến quyền lợi BHXH của CN (còn nợ hơn 100 triệu đồng). Khi các cơ quan chức năng huyện Hóc Môn can thiệp, lãnh đạo công ty hứa đến cuối tháng 7-2011 sẽ truy nộp 50% số nợ BHXH, số còn lại sẽ trả dần. Cam kết là vậy song đến nay công ty vẫn chưa thực hiện. “Tình trạng DN giải thể hoặc sang nhượng lại cho chủ khác song không khắc phục nợ đọng BHXH ngày càng phổ biến. Giải pháp kiện ra tòa cũng không ăn thua vì rất khó liên hệ với người đại diện hợp pháp của DN”- ông Võ Văn Giảo, Giám đốc BHXH huyện Hóc Môn, than thở.
Khắc phục nhỏ giọt rồi… chuồn
Thời gian gần đây, cơ quan BHXH rất đau đầu với tình trạng nhiều DN vin vào lý do khó khăn để trốn đóng BHXH. “Khi chúng tôi truy đòi quyết liệt, hầu hết DN “đổ tội” cho… lạm phát”- bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Phó Giám đốc BHXH quận Tân Phú- TPHCM, cho biết.
Điển hình như Công ty CP Thương mại Tiến Hưng, nợ BHXH từ đầu năm 2010 đến nay. Tháng 5-2010, BHXH quận Tân Phú đã kiện công ty này và tòa án đã tuyên buộc DN phải truy đóng 998 triệu đồng. Tuy vậy, DN luôn miệng kêu khó khăn khiến cả cơ quan thi hành án cũng cảm thấy “khó nghĩ”, bởi niêm phong tài sản DN thì hàng trăm CN sẽ mất việc, còn không thì số nợ BHXH lại thêm chồng chất. Đến thời điểm này, tổng số nợ BHXH của DN đã lên đến 1,9 tỉ đồng.
Một trường hợp khác là Công ty Minh Thái. Đầu năm 2010, khi bị BHXH khởi kiện và bị tòa tuyên buộc truy đóng 428 triệu đồng, công ty liên tục xin khất với lý do khó khăn. Mới đây, khi BHXH và Thi hành án Tân Phú đến làm thủ tục kê biên tài sản mới phát hiện công ty đã “biến mất”. Hiện trên địa bàn quận Tân Phú, các DN nợ BHXH của người lao động gần 40 tỉ đồng. Đáng nói, đây không phải là những trường hợp cá biệt. Tại các quận, huyện khác đều xảy ra tình trạng trốn đóng, nợ đọng, chiếm đoạt BHXH của người lao động. Điều này không chỉ đẩy cơ quan BHXH vào thế lúng túng mà CN cũng bị vạ lây vì không được giải quyết chế độ chính sách.
Ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM: Nâng mức xử phạt tối đa Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật BHXH vẫn còn phổ biến là do quy định hiện hành chưa phù hợp. Cơ quan BHXH chỉ có chức năng đôn đốc, nhắc nhở; trong khi đó, việc phối hợp kiểm tra, xử lý các DN vi phạm chưa kịp thời. Nhiều vụ vi phạm dù thanh tra vào cuộc xử phạt nhưng chỉ dừng lại ở mức ra các quyết định cảnh cáo hoặc xử phạt hành chính với mức cao nhất chỉ 30 triệu đồng nên không đủ sức răn đe. Hiện nay, việc kiện DN nợ BHXH ra tòa còn gặp nhiều khó khăn. Tòa án xét xử các vụ kiện đòi nợ theo Bộ Luật Dân sự nên tác dụng còn hạn chế; khi tòa tuyên truy nộp, nhiều đơn vị không thực hiện. Mới đây, các ngành chức năng tại TPHCM đã kiến nghị tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm BHXH lên 10% tổng số nợ, thay vì mức xử phạt tối đa 30 triệu đồng như hiện nay. Hoàng Tùng ghi |
Bình luận (0)