Sáng 10-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Đại biểu (ĐB) Trần Kim Yến (TP HCM), Bí thư Quận ủy quận 1, nguyên chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP HCM, cho rằng việc chuẩn bị nguồn lao động đó là hoạt động sơ tuyển, đào tạo nghề, ngoại ngữ, định hướng nghề… chất lượng nguồn lao động được thể hiện qua 3 thứ: Trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề và ý thức tuân thủ pháp luật. Và để chuẩn bị nguồn nhân lực thì 3 yếu tố nêu trên không thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Do vậy, để có nguồn lao động chất lượng cung ứng cho đối tác, doanh nghiệp (DN) cần có thời gian để tuyển chọn, đào tạo. Phải coi đây là nguồn đầu tư của chính DN, để khi có cơ hội, có thị trường thì DN mạnh dạn ký hợp đồng cung ứng ngay.
ĐBQH Trần Kim Yến (TP HCM) phát biểu tại thảo luận tổ sáng 10-6- Ảnh: Nguyễn Ý
Doanh nghiệp dễ bị mất cơ hội bởi những quy định bó buộc
"Tuy nhiên tại khoản 2 điều 19 dự thảo luật lại quy định DN dịch vụ chỉ được chuẩn bị nguồn lao động nếu bên nước ngoài tiếp nhận lao động yêu cầu hoặc theo kế hoạch hợp tác hàng năm với bên nước ngoài tiếp nhận NLĐ…, tôi cho rằng làm vậy DN sẽ rất bị động và rất dễ bị mất cơ hội"- bà Yến nói.
Để dẫn chứng điều này, ĐB Yến cho biết trong tờ trình của Chính phủ có nêu một trong những hạn chế trong quá trình thực hiện Luật hiện hành, đó là DN không có nhiều thời gian để tuyển chọn, đào tạo người lao động theo yêu cầu và chất lượng của đối tác, dẫn đến chất lượng không đảm bảo hoặc mất cơ hội ký hợp đồng cung ứng lao động, giảm tính cạnh tranh với DN cung cứng lao động của quốc gia khác.
Tuy nhiên ban soạn thảo dự luật lại cho rằng quy định này là cần thiết để ngăn chặn tình trạng phía nước ngoài không có nhu cầu nhưng DN vẫn tạo nguồn lao động để bán lao động cho DN khác. "Vì vậy đại biểu đề nghị phải nghiên cứu lại quy định này"- nữ đại biểu TP HCM bày tỏ.
"Không phải cái gì ta không quản được thì lại cấm. Bởi nếu không cho DN tạo nguồn, thì khi tìm được thị trường sẽ không có nguồn lao động kịp thời để cung ứng, sẽ vuột mất cơ hội. Do vậy, cần có quy định để tạo điều kiện cho DN chủ động tạo nguồn lao động cho mình, tránh tình trạng "tay không bắt giặc"- tức là cứ ký hợp đồng với đối tác rồi tìm nguồn, tạo nguồn sau"- bà Yến nói.
Góp ý cho Điều 32 về Điều kiện doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, ĐB Kim Yến cho rằng quy định tại khoản 3, điều 32 dự thảo là bó buộc và làm khó DN, bởi những hợp đồng, công trình dự án ở nước ngoài, thì DN được quyền tìm kiếm chuyên gia, lao động kỹ thuật cao - mà hiện tại những lao động này đang không làm việc cho DN, để đảm bảo thi công công trình mà họ đã trúng thầu đạt chất lượng.
Bên cạnh đó, bà Trần Kim Yến nói về mối quan hệ giữa các bộ ngành và địa phương với DN, có tình trạng trong quá trình thực hiện, địa phương và doanh nghiệp có vấn đề vướng mắc, đề nghị bộ ngành hướng dẫn để có thể thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên tình trạng "om" văn bản mà không trả lời vẫn xảy ra, không nhận được sự quan tâm ở bộ ngành, nên đã để xảy ra tình huống: nếu thực hiện thì sợ vi phạm; nếu không thực hiện thì DN mất cơ hội.
Theo ĐB Trần Kim Yến, cần quy định dứt khoát theo hướng nếu trong vòng bao nhiêu ngày cụ thể nhận được văn bản của DN mà Bộ không trả lời thì DN được thực hiện. "Phải sòng phẳng như vậy. Chứ không thể theo kiểu "dân cần mà quan trễ" nhiều lúc làm mất đi cơ hội của DN"- bà Yến bày tỏ.
ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê (TP HCM) phát biểu
Phải xử nghiêm DN "đem con bỏ chợ"
Nhắc lại vụ việc đau lòng khi những lao động bất hợp pháp bị chết trên xe container đông lạnh ở Anh, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, cho rằng đặt ra vấn đề quản lý người lao động Việt Nam ở nước ngoài là rất cần thiết trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu, lực lượng lao động hợp pháp của nước ta ở nước ngoài rất lớn.
Theo ông Khuê, với lao động Việt Nam ở nước ngoài, có cả trăm con đường khác nhau, từ đi bằng con đường hợp pháp và cả bất hợp pháp. Trong sự kiện đau lòng năm 2019, hàng chục lao động của chúng ta chết trong xe container đông lạnh ở Anh khi đi lao động bằng con đường bất hợp pháp. "Và tất cả các quyền lợi được bảo vệ NLĐ Việt Nam ở nước ngoài hầu như không liên quan".
Do đó, vấn đề đặt ra lúc này là phải hệ thống, sắp xếp, cần định danh để quản lý được các tổ chức thiết lập đường dây đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài - tức là họ tự tìm ra nguồn nhu cầu ở nước ngoài rồi sau đó họ thiết lập quan hệ rồi tổ chức lao động đi làm việc, nằm ngoài sự kiểm soát, quản lý của pháp luật.
"Và phần lớn số lao động này bị ngược đãi, lúc nào cũng phải trốn tránh sự quản lý của nước sở tại nơi mình làm việc; và khi có vấn đề liên quan, thì sứ quán nước ta cũng không đủ cơ sở để bảo vệ"- ĐB Khuê nêu vấn đề và nhìn nhận việc đặt ra vấn đề quản lý là hết sức cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, chúng ta cứ nói để cải thiện cuộc sống thì kênh đi lao động nước ngoài là một giải pháp. "Nhưng xin thưa, có trường hợp đi theo con đường chính thống còn bị lừa. Có tình trạng DN chỉ biết đưa NLĐ đi, tiền bỏ túi, đưa lao động ra sân bay đi sang bên kia, coi như xong, phủi trách nhiệm với NLĐ và bỏ mặc NLĐ. Phải xử lý thật nghiêm thực trạng này"- ông đề nghị.
Bình luận (0)