"Sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật Việc làm lần này đã được gói gọn gồm 7 chương, 63 điều. Trong đó, những quy định liên quan đến chính sách thị trường lao động chủ động gồm 32 điều (hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động…) và 19 điều cụ thể hóa chính sách thị trường lao động thụ động (bảo hiểm thất nghiệp - BHTN)”. Ông Lê Trọng Sang - đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM - cho biết như vậy tại hội nghị góp ý dự thảo Luật Việc làm do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP tổ chức mới đây.
Đã tiếp thu, chỉnh sửa
Ông Sang cho biết dự thảo Luật Việc làm đã chỉnh lý chỉ mở rộng đối tượng tham gia BHTN là người lao động (NLĐ) có hợp đồng lao động từ 3 đến dưới 12 tháng (điểm c, khoản 1, điều 44).
Tính đến ngày 31-12-2012, cả nước có 1,78 triệu viên chức đóng BHTN, chiếm 21,4% tổng số lao động tham gia BHTN. Giai đoạn 2010-2013, tại 63 tỉnh, thành phố, có 17.328 người thuộc khu vực sự nghiệp công được hưởng BHTN. Vì vậy, việc tiếp tục quy định viên chức thuộc đối tượng tham gia BHTN tại dự thảo Luật Việc làm là phù hợp.
Theo dự thảo, chính sách hỗ trợ tạo việc làm quy định tại chương II đã được cụ thể hóa về nội dung, mục tiêu, phạm vi, đối tượng. Thực tế cho thấy Quỹ Quốc gia về việc làm có mục đích trực tiếp hỗ trợ, duy trì và tạo việc làm cho NLĐ, người sử dụng lao động. Vì vậy, ngoài quy định về chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm, dự thảo đã bổ sung quy định việc cho vay ưu đãi tạo việc làm từ nguồn tín dụng khác. Đồng thời, để không trùng lặp về đối tượng vay vốn, dự thảo cũng quy định cụ thể về đối tượng vay vốn, điều kiện vay vốn.
Chưa thúc đẩy tạo việc làm
Dự thảo Luật Việc làm sau nhiều lần chỉnh sửa đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý. Tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo chưa thúc đẩy vấn đề tạo việc làm cho NLĐ.
Theo ông Trần Hiếu Liêm, Phó trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cần bổ sung các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư, như: giảm thuế trong những năm đầu tiên, hỗ trợ đào tạo nghề để đáp ứng được điều kiện phát triển kinh tế của từng vùng, từng địa phương. Bên cạnh đó, luật cần xác định rõ vai trò của doanh nghiệp (DN) trong việc đào tạo nghề tại DN.
Cần mạnh tay với doanh nghiệp nợ BHXH Đối với việc nợ đọng BHXH của các DN, ông Phạm Ngọc Lân, đại diện Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho rằng dự thảo chưa đưa ra hình thức chế tài đủ mạnh cũng như chưa quy định rõ cách thức chi trả trợ cấp thất nghiệp trong trường hợp DN chậm đóng BHXH. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động thời gian qua nhưng việc giải quyết và xử lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ông Phạm Ngọc Lân đề nghị: “Dự thảo nên quy định cụ thể hình thức xử phạt đối với các DN thu BHXH của NLĐ nhưng không nộp hoặc chậm trích nộp cho cơ quan BHXH”. |
Bình luận (0)