xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đưa cơ sở khám chữa bệnh vào KCX-KCN

NGỌC DUNG

Cả nước có gần 400 KCX-KCN với khoảng 7 triệu lao động đang làm việc nên việc tính toán xây dựng cơ sở khám chữa bệnh tại nơi đây là cần thiết

Theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 28.000 người lao động (NLĐ) mắc bệnh nghề nghiệp (BNN). Trong 34 BNN được hưởng BHXH thì bệnh bụi phổi chiếm tỉ lệ cao nhất (khoảng 74%), sau đó là điếc do tiếng ồn (khoảng 17%). Hiện trung bình một năm có 2 - 3 triệu lượt NLĐ được khám sức khỏe (KSK) định kỳ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều NLĐ "giấu bệnh" không đi khám vì chưa hiểu rõ quyền lợi của mình.

Khu công nghiệp vắng bóng trung tâm y tế

Nhiều chuyên gia cho rằng đối với các ngành nghề tiếp xúc với những chất độc hại nguy hiểm, doanh nghiệp (DN) phải có trách nhiệm tổ chức KSK định kỳ cho NLĐ ít nhất 6 tháng/lần. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không ít DN chưa thật sự chú trọng về tầm quan trọng của khám BNN. Hiện KSK định kỳ chỉ dừng lại ở phân loại sức khỏe, phát hiện một số bệnh thông thường.

PGS-TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường - Bộ Y tế, cho biết các thống kê gần đây của viện cho thấy tỉ lệ NLĐ mắc bệnh điếc nghề nghiệp có xu hướng gia tăng và đang đứng đầu trong nhóm BNN. Phần lớn bệnh nhân bị điếc nghề nghiệp do làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn, vượt mức cho phép (trên 80 decibel) trong thời gian dài ở các công ty sản xuất giày da, dệt may, vật liệu xây dựng... Bệnh diễn tiến âm thầm và kéo dài nên người bệnh khó nhận biết, chỉ có KSK định kỳ mới có thể phát hiện. Nếu không kịp thời phòng tránh sẽ để lại biến chứng là điếc vĩnh viễn, không có khả năng phục hồi.

Cả nước hiện có khoảng 7 triệu lao động đang làm việc tại gần 400 KCN-KCX nhưng lại chưa có mô hình trung tâm y tế trong KCN. Điều này đặt ra những yêu cầu đối với việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho công nhân (CN). Theo quy định hiện hành, các đơn vị sử dụng lao động phải KSK định kỳ cho NLĐ 1 năm/lần, khám phát hiện BNN ít nhất 1 lần/năm hoặc 2 lần/năm nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Ông Doãn Ngọc Hải cho biết lâu nay, các DN thường thực hiện KSK định kỳ theo hình thức thuê đơn vị cung ứng đến cơ sở khám cho CN. Việc này có thể kéo dài vài ngày, vài tuần, thậm chí cả năm với những KCN có số lượng CN lớn. "Chăm sóc sức khỏe cho NLĐ không chỉ là khám và điều trị bệnh mà cần phải sàng lọc và quản lý bệnh. Với đặc thù "đi sớm về muộn", việc phát triển cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tại các KCN sẽ đáp ứng điều kiện làm việc của CN, đồng thời có thể giải quyết những sự cố y khoa như thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19" - ông Hải nói.

Đưa cơ sở khám chữa bệnh vào KCX-KCN - Ảnh 1.

Công đoàn các KCX-KCN TP HCM tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho công nhân. Ảnh: HỒNG ĐÀO

Tạo điều kiện cho công nhân khám chữa bệnh

TS-BS Nguyễn Đình Trung, Trưởng Khoa BNN - Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường y tế, cho biết các KCX-KCN, khu kinh tế là các địa bàn tập trung đông CN. Trong khi đó, hệ thống các cơ sở còn hạn chế đã ảnh hưởng đến nhu cầu KCB, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho họ.

"Mới đây, góp ý cho dự thảo Luật KCB, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề nghị nghiên cứu, bổ sung KCN-KCX, khu kinh tế, nơi tập trung đông CN thuộc nhóm đối tượng cần được ưu tiên, bố trí ngân sách, đầu tư để xây dựng cơ sở KCB" - ông Trung nói.

Theo Cục Quản lý Môi trường Y tế, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường - Bộ Y tế, đơn vị đang lấy ý kiến các chuyên gia để đề xuất Bộ Y tế có hành lang pháp lý hướng dẫn hoạt động của mô hình y tế lao động tại các KCN.

Trước đó, kết quả khảo sát và lấy ý kiến của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường y tế tại 30 DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh tập trung ở 3 tỉnh/thành có KCN là Hà Nội, Đà Nẵng và Bình Dương cho thấy tất cả ban quản lý KCN và trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành đã biết tới mô hình trung tâm y tế đặt tại các KCN. 70% cơ sở sản xuất - kinh doanh sẵn sàng hoặc rất sẵn sàng sử dụng dịch vụ nếu có đơn vị chăm sóc y tế trong KCN. 30% số cơ sở còn lại cho rằng cần tham khảo trước khi đưa ra quyết định lựa chọn dịch vụ y tế tại KCN.

Góp ý cho đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng CN là đối tượng cần được quan tâm trong KCB. Theo quy định, KCN phải dành 10% quỹ đất dịch vụ để xây dựng công trình dịch vụ thiết yếu trong đó có dịch vụ y tế cho NLĐ. Vì vậy, cần có chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho họ thuận lợi hơn trong KCB, đặc biệt là KCB ngoài giờ hành chính vẫn được thanh toán từ quỹ BHYT.

"Điều quan trọng là phải tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ, sàng lọc BNN cho CN để kịp thời có biện pháp điều trị và phòng bệnh tích cực. Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông về vệ sinh lao động, phòng chống BNN bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao kiến thức cho NLĐ, qua đó họ có được những kiến thức cơ bản để tự bảo vệ mình" - PGS Hải khuyến cáo.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo