Đó là thông tin được ông Bodo Ramelow, Thủ hiến bang Thüringen, Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức trong buổi thăm và làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Việt Nam ngày 9-4.
Ông Bodo Ramelow cho biết nền kinh tế Đức phát triển mạnh mẽ như hiện nay cũng dựa vào một hệ thống đào tạo nghề quan trọng. Hệ thống đào tạo nghề "kép" của Đức là hình thức học lý thuyết và kỹ năng ở trung tâm đào tạo và thực hành ở doanh nghiệp trong suốt thời gian học nghề từ 3 - 3,5 năm, tùy theo nghề học. Nhà nước chỉ đưa ra điều kiện khung còn các doanh nghiệp phải đưa ra hình thức đào tạo, phương thức hoạt động cho một sản phẩm cụ thể.
"Việc đào tạo nhân lực cho Việt Nam không phải là con đường một chiều mà chúng tôi muốn đưa lại ấn tượng tốt với thanh niên Việt Nam khi sang đào tạo tại bang Thüringen. Học viên Việt Nam đào tạo tại Đức sẽ được tạo mọi điều kiện tốt nhất để sinh sống và học tập. Khi họ có trong tay trình độ, chuyên môn thì họ chính là những người sẽ cùng xây đắp tình hữu nghị giữa hai bên. Ngược lại, các doanh nghiệp của bang Thüringen rất quan tâm và mong muốn tìm hiểu, đầu tư hoạt động tại Việt Nam qua đó cụ thể hóa và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức", ông Bodo Ramelow nói.
Các học viên tại Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á tốt nghiệp và chuẩn bị sang Đức làm việc
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết hiện Việt Nam đã nhập của Đức 34 bộ giáo trình cho 22 nghề trọng điểm và sẽ được triển khai tại 40 trường nghề theo mô hình đào tạo kép. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã đào tạo 4 khóa về đưa điều dưỡng viên sang học tập và làm việc tại Đức; Tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề giữa hai nước...
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tiềm năng lao động của Việt Nam rất lớn, các nước đều đánh giá lao động Việt Nam chăm chỉ, cần cù, thông minh. Bên cạnh đó, nhu cầu về đào tạo nghề, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam hiện tại rất lớn nhờ lực lượng dân số trẻ, số lượng lao động dồi dào trong khi việc đào tạo chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu thực tế. Do đó, Việt Nam cũng như các nước ASEAN và Đức, nơi có hệ thống đào tạo nghề tốt đã được kiểm chứng, có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy việc hợp tác trong lĩnh vực này.
Bình luận (0)