Nhân Tháng Hành động về an toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ), lãnh đạo TP HCM và LĐLĐ TP đã tổ chức các đoàn đi thăm công nhân (CN) bị tai nạn lao động (TNLĐ). Trong đó, anh Lê Thanh Bình (nguyên là CN Công ty TNHH Quốc Việt, Bình Dương) là trường hợp bị nặng nhất, với tỉ lệ thương tật 94%.
Thoát chết trong gang tấc
Đã 6 năm sau vụ TNLĐ thảm khốc nhưng anh Bình vẫn còn bị ám ảnh. Sự cố điện giật năm ấy khiến anh Bình bất ngờ té từ trên cao xuống khi đang làm việc. May mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng vết thương quá nặng (gãy 2 chân, lõm sọ) lại khiến anh bị liệt nửa người. “Lúc đó tôi gần như suy sụp, cứ tưởng anh sẽ không qua khỏi nhưng kỳ tích đã xảy ra. Dù có thế nào thì sự sống vẫn là quý giá nhất” - chị Nguyễn Thị Thủy Ngân, vợ anh Bình, nhớ lại.
Còn sống nhưng việc anh Bình không còn khả năng làm việc khi còn trẻ khiến gia đình anh mất đi trụ cột kinh tế. Chưa kể đến việc anh phải điều trị lâu dài luôn cần một người túc trực nên cuối cùng vợ anh cũng phải nghỉ làm để chăm sóc chồng. Điều này đã đẩy gia đình anh lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Cũng may là anh chị có được sự giúp đỡ của gia đình và hỗ trợ từ công ty.
Sau này, khi sức khỏe của anh Bình ổn định hơn, vợ anh mới nhận thêm hàng để may gia công tại nhà. Gia đình sống nhờ nguồn thu nhập bấp bênh ấy cùng với khoản trợ cấp hằng tháng của anh Bình. Căn nhà mà vợ chồng anh đang ở cũng là của cha mẹ cất cho, hiện đã xuống cấp nhưng anh chị không có tiền sửa chữa vì con trai chuẩn bị vào đại học, còn nhiều thứ phải lo. Nhận được phần quà và sổ tiết kiệm (trị giá 5 triệu đồng) và những lời động viên chân tình của lãnh đạo Công đoàn (CĐ) TP, vợ chồng anh chị không khỏi xúc động. Anh Bình bày tỏ: “Tôi rất biết ơn sự quan tâm của lãnh đạo TP cùng tổ chức CĐ. Tôi sẽ cố gắng vượt lên bệnh tật để sống tốt”.
Tương tự, anh Nguyễn Hữu Khanh, nguyên CN Công ty CP Bê-tông ly tâm Thủ Đức, cũng từ cõi chết trở về. Tai nạn xảy ra vào năm 2006. Chỉ vì một chút sơ suất, anh Khanh đã bị cuốn luôn cả cánh tay vào máy tiện. Phải mất hơn 1 giờ, đồng nghiệp mới kéo được anh ra khỏi máy và đưa đến bệnh viện. Tai nạn làm anh Khanh dập nát cánh tay phải, dập gan và gãy 4 xương sườn. Anh Khanh nhớ lại: “Bác sĩ bảo cánh tay phải của tôi không cứu chữa được vì nát hết nhưng gia đình cứ nài nỉ nên bác sĩ phải lấy xương sườn nối vào xương cánh tay. Sau 6 lần phẫu thuật, đúng 1 năm nằm viện, tôi mới được về nhà với thương tật 64%, cánh tay phải không thể cầm nắm được”.
Hoàn cảnh anh Khanh hiện nay cũng rất khó khăn khi vợ anh may gia công, thu nhập 4 triệu đồng/tháng; còn anh chỉ làm việc lặt vặt, thu nhập bấp bênh. Vợ chồng và con gái anh rất vui khi được lãnh đạo TP đến thăm, hỗ trợ 1 sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu đồng.
Vượt lên nghịch cảnh
Cuối năm 2015, khi chỉ mới 29 tuổi, đang tràn trề nhiệt huyết và ấp ủ nhiều ước mơ thì mọi thứ dường như đổ sập khi anh Bùi Minh Hùng (vốn là CN bảo trì điện cho Công ty TNHH MTV Thép Đại Thiên Lộc, tỉnh Bình Dương) chẳng may bị TNLĐ. Sự việc xảy ra khi anh đang bảo trì điện cho cần cẩu, bị điện giật té từ trên cao xuống đất, dập nội tạng (ruột, mật), gãy 7 xương sườn và sống lưng, tỉ lệ thương tật 79%. Phải mất gần 1 năm điều trị, các vết thương mới tạm ổn định. Anh Hùng cho biết từ khi sự cố xảy ra, ngoài chế độ BHXH, BHYT, anh Hùng không được công ty hỗ trợ gì thêm nên mọi thứ đều phải trông chờ vào người chị ruột sống cùng phòng trọ.
“Với khoản tiền thuê phòng 2 triệu đồng/tháng, rồi tiền thuốc men điều trị cho tôi, 6 triệu đồng tiền lương của chị tôi chẳng thấm tháp vào đâu. Chính vì vậy, khi sức khỏe tạm ổn, tôi đã xin vào làm bảo trì điện cho Công ty TNHH Việt Tín Nghĩa (Long An) để giảm bớt gánh nặng cho chị và có tiền gửi về Quảng Ngãi phụng dưỡng cha mẹ già” - anh Hùng bộc bạch.
Chia sẻ với những khó khăn mà anh Hùng đang gặp phải, dịp khai mạc Tháng Công nhân lần 9, lãnh đạo Thành ủy, LĐLĐ TP và quận Thủ Đức đã đến thăm, động viên, tặng quà và sổ tiết kiệm 5 triệu đồng cho anh Hùng. Ái ngại với việc anh Hùng đi làm quá xa nơi ở, bà Nguyễn Thị Lệ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, đã đề nghị quận Thủ Đức hỗ trợ, tìm việc làm phù hợp với sức khỏe, chuyên môn và gần nơi ở khi anh Hùng có nhu cầu. “Sự sẻ chia, quan tâm sâu sắc của chính quyền, LĐLĐ TP khiến tôi rất xúc động. Đây chính là động lực để tôi cố gắng hơn nhằm khắc phục khó khăn, tiếp tục sống có ích” - anh Hùng chia sẻ.
Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM:
Chủ động phòng ngừa
TNLĐ để lại nhiều nỗi đau và sự ám ảnh. Đó cũng là điều không ai mong muốn xảy ra. Tôi hy vọng tất cả các anh chị em CN sẽ sớm vượt qua tật bệnh để vươn lên sống tốt, tiếp tục cống hiến. Tôi cũng kêu gọi tất cả CNVC-LĐ và cả người sử dụng lao động cần nâng cao ý thức về kỷ luật, an toàn lao động và tăng cường công tác bảo hộ lao động, tránh các trường hợp TNLĐ đáng tiếc có thể xảy ra.
Bình luận (0)